1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trẻ hóa cán bộ là làn sóng tốt mà sao xã hội băn khoăn?

(Dân trí) - Câu hỏi của Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông tại phiên thảo luận, góp ý về dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sáng nay, 23/10 khiến nhiều người phải suy nghĩ…

Quy trình cán bộ chưa tạo cho xã hội yên tâm

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông (ảnh: Việt Hưng).
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông (ảnh: Việt Hưng).

Góp ý vào dự thảo văn kiện, ông Lê Minh Thông (đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, trong công tác xây dựng Đảng, trọng tâm vẫn phải là công tác cán bộ. Đây là khâu đột phá quyết định. Theo ông Thông, cần có cải cách trong công tác cán bộ vì sức mạnh của Đảng không chỉ là đường lối mà ở những con người cụ thể, đảng viên cụ thể ở từng vị trí.

Theo đó, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố dân chủ, đặc biệt trong khâu bầu nhân sự lãnh đạo ở các cấp ủy Đảng.

“Khuyến khích được sự cạnh tranh trong hoạt động bầu cử là để thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài để lãnh đạo Đảng ở các cấp. Dư luận xôn xao về không ít trường hợp nhân sự ta đã nói là đúng quy trình nhưng người dân vẫn băn khoăn. Việc này cần phải xem lại” – ông Thông cũng chia sẻ suy nghĩ, do quy trình đặt ra cho công tác cán bộ chưa được được sự tin tưởng, yên tâm cho xã hội. Đã khẳng định đúng quy trình mà xã hội vẫn băn khoăn thì rõ ràng còn điểm “mắc mớ”, Đảng phải nghiêm túc xem xét chuyện này.

Ông Thông đặt vấn đề, trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp là một luồng gió mới, là một làn sóng rất tốt, tại sao xã hội vẫn băn khoăn?

Vấn đề, theo ông Thông là do việc chọn cán bộ như thế đã được thực hiện một cách tâm phục khẩu phục chưa, trung thực với đảng chưa chứ không phải dư luận phản đối cán bộ trẻ làm lãnh đạo, lãnh đạo càng trẻ càng tốt, tuổi trẻ tài cao. Quan trọng là làm sao để người lãnh đạo trẻ được bầu nhận được sự ủng hộ, tâm phục khẩu phục của người dân, của toàn xã hội về người được chọn.

Nhiệm vụ này thuộc về người xây dựng quy trình làm công tác cán bộ, cách thức bầu cử để bầu chọn được những cán bộ lãnh đạo thực sự xứng đáng.

“Tôi hi vọng thời gian sẽ chứng minh, các lãnh đạo trẻ sẽ chứng tỏ được năng lực” – ông Thông phát biểu.

Cán bộ đương nhiệm cũng… lợi ích nhóm

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lo cán bộ các ngành có tư tưởng lợi ích nhóm.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lo cán bộ các ngành có tư tưởng "lợi ích nhóm".

Tán thành hướng đặt vấn đề, Đảng không làm công tác cán bộ tốt, chắc chắn sẽ không có cán bộ tốt, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi gợi ý có thể chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ đợt này.

“Bổ nhiệm cán bộ trẻ, tôi cho là rất tốt, xu thế rất hay. Nhưng giữa quy định pháp luật của Nhà nước với cái chúng ta làm “quy trình rất đúng” là hoàn toàn sai. Một là chúng ta chấp nhận theo con đường lựa chọn của xã hội, cứ người nào có tài thì được trọng dụng. Hai là phải làm bài bản, tức là phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện như ngồi vị trí đó tối thiểu 5 năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị… Đây có người làm chưa đến 1 năm thì có thể ngồi vị trí đó không?” – ông Lợi tỏ ý chia sẻ với Phó Chủ nhiệm Lê  Minh Thông.

Theo đó, ông Lợi đề xuất, phải rất rõ ràng, hoặc là sửa quy trình theo hướng cứ nhân sự được người dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì bổ nhiệm hoặc là tuân thủ đúng quy trình đã đề ra.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phân tích, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự.

“Các cụ vẫn nói, muốn làm tiên sinh trước hết phải làm học sinh của nhân dân. Trước hết, cần coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm để bộ máy vận hành tốt hơn, như đưa viên gạch vào đúng nơi của nó thì mới bền vững” – ông Hà nói.

Cùng đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Huy Hùng nêu yêu cầu, cán bộ nói phải đi đôi với làm, không tham vọng hay say sưa quyền lực, trong thực hiện không được đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đặt trong lợi ích chung của đất nước.

Ông Hùng dẫn chứng, vừa qua dư luận phản ánh về những quyết định dường như chỉ để giải quyết lợi ích riêng cho ngành, lĩnh vực mà không nghĩ cho cả đất nước, thậm chí quyết định đó còn phá vỡ những hệ thống liên quan khác.

“Có Bộ, ngành còn qua báo chí để đánh bóng, che đậy hay tuyên truyền một phía theo hướng có lợi cho mình. Cá nhân người lãnh đạo này mà vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt thì nguy hiểm lắm, sẽ làm các đánh giá trở nên không thực chất, kéo dài yếu kém, khiếm khuyết” – Ông Hùng thoáng lắc đầu.

P.Thảo