1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tập thể phe cánh, “xuôi chiều” – Khó chọn đúng người tài

(Dân trí) - “Hiện nay, quy trình bổ nhiệm cán bộ vẫn chủ yếu dựa theo sự đồng thuận từ dưới lên trên nhưng lại chưa định lượng được tiêu chí xác định người tài nên nếu tập thể cùng phe cánh, chỉ “xuôi chiều” mà bỏ phiếu thì rủi ro rất cao trong việc chọn người tài…”- Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Lê Thanh Vân trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng đang vào thời điểm “nước rút” để chuyển giao, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cho một nhiệm kỳ mới hiện đang rất thu hút sự quan tâm của dư luận. Là người từng đề xuất Quốc hội xây dựng luật trọng dụng nhân tài, ông đã lập luận, chỉ người tài mới có thể xoay chuyển tình thế, và đất nước đang cần những người như vậy. Ông nhận xét thế nào về cách thức chúng ta đang thực hiện để chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế nhiệm của đất nước?

Xưa kia, khi vừa lên ngôi, Lê Lợi ban hành ngay Chiếu cầu hiền, yêu cầu từ quan lại đến thường dân có trách nhiệm tiến cử hiền tài và phải chịu trách nhiệm trước nhà vua về việc đó, tiến cử đúng thì được trọng thưởng còn sai phải chịu phạt tội. Tôi nghĩ cần tiếp thu tư tưởng đó.

Việc lựa chọn nhân sự rõ ràng là trách nhiệm của cơ quan tổ chức, của người đề cử nhân sự thay thế mình. Nếu bố đề cử con rồi dùng uy của mình để tác động tới việc bỏ phiếu thì đương nhiên cấp dưới răm rắp phải nghe.

Thực tế là nếu trong một tập thể cùng phe cánh, chỉ “xuôi chiều” mà bỏ phiếu thì đã chắc gì sẽ chọn được người tài. Quan trọng là quy trình làm sao phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Minh bạch là rõ ràng về tiêu chí, để người tài không thuần túy chỉ thể hiện ở sự tín nhiệm, bởi như tôi đã nói, nếu mà tập thể “xuôi chiều” thì việc chỉ đo tín nhiệm có thể dẫn tới rủi ro rất cao trong việc chọn người tài.


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân là Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân là Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. (Ảnh: Việt Hưng)

Dường như ông vẫn chưa hẳn yên tâm với quy trình lựa chọn nhân sự hiện nay? Điều kiện nào cần cho việc đề cử và bầu chọn được những người thực sự xuất sắc – người thực tài cho đất nước?

Chúng ta vẫn hay nghe nói đúng quy trình, nhưng quy trình do con người đặt ra, nó mang tính chủ quan mà chủ quan thì bao giờ cũng phản ánh ý chí và ý chí thì thường xuất phát từ lợi ích. Vấn đề là việc chọn người xuất phát từ lợi ích chung hay là lợi ích riêng thôi. Vì vậy, làm sao tiếp cận được những khía cạnh khách quan, không bị tác động, chi phối bởi lợi ích mới là vấn đề.

Quy trình hiện nay vẫn tuần tự là cấp dưới giới thiệu lên, tất nhiên có sự chuẩn bị của cơ quan tham mưu, đề xuất, cấp ủy xem xét sau đó đưa ra tập thể rồi bỏ phiếu. Nhưng phần quan trọng nhất là định lượng được tiêu chí xác định người tài thì chưa làm được, đặc biệt, việc đánh giá chính xác năng lực của cán bộ rất khó.

Người tài thì phải xuất lộ được cho mọi người thấy khả năng, trí tuệ hơn người, phải đưa ra những ý tưởng hoặc có thực tiễn điều hành đã làm nên công trạng đáng được ghi nhận. Còn nếu chỉ đi vận động tiêu cực này khác để được nhiều phiếu thì chắc gì đã là tài. Và việc bổ nhiệm cán bộ nếu chủ yếu dựa vào sự đồng thuận từ dưới lên trên, cho rằng đó là người tài thì đã chắc gì, lửa thử tài gian nan thử sức mới biết được.

Theo tôi, quy trình lựa chọn nhân sự phải tiếp tục hoàn thiện, trước hết là phải có tiêu chí để duy danh định nghĩa được thế nào là người tài. Ví dụ, nếu xếp người tài theo thang điểm là 100 thì điểm về sáng tạo trong công việc có thể chiếm 30 – 40 điểm, quyết liệt trong điều hành có thể 20 điểm chẳng hạn, rồi điểm về chuẩn mực đạo đức, ứng xử, tín nhiệm là bao nhiêu thì mới có thể đong đếm chính xác được.

Kết quả bầu chọn tại Đại hội Đảng tại nhiều địa phương gần đây dường như tạo hiện tượng với rất nhiều thông tin về những Giám đốc Sở, Tỉnh ủy viên 30 tuổi; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy chưa đến 40 tuổi. Cán bộ của ta như vậy cũng được “thử lửa”, “thử vàng” tốt chứ, thưa ông?

Việc đó có tín hiệu tích cực là chỗ cá nhân còn trẻ xuất hiện nhiều nhưng vừa rồi dư luận cũng nghi ngại, có những người được bầu quá trẻ để đảm đương công việc mà phải có thời gian rèn luyện. Tôi thấy mình không nên câu nệ thành phần xuất thân nhưng quan trọng là người đó có xứng đáng không thì cái đó phải xem xét theo tiêu chí, như tôi đã nói ở trên.

Thế nên, việc này sẽ là rất đáng mừng nếu lãnh đạo trẻ được chọn thực tài còn đáng báo động nếu họ không có thực tài mà cứ “nhét”… quyền vào tay họ. Nhưng trước mắt thì ta cứ mừng đã.

Với luật trọng dụng nhân tài ông đã từng ấp ủ, người tài sẽ được lựa chọn, trọng dụng và người được lựa chọn, trọng dụng sẽ đúng là người tài?

Tôi vẫn chờ đợi Quốc hội làm Luật trọng dụng nhân tài vì tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2012 - PV), Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy trình.

Như đã nói, tôi nhận thấy, từ cổ chí kim đến nay, các triều đại thịnh trị, các vị thánh đế minh vương khi lên ngôi bao giờ cũng ban Chiếu cầu hiền. Sau khi lập nước, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thư gửi cho Ủy ban hành chính các cấp về việc tiến cử nhân tài cho Chính phủ.

Hơn bao giờ hết lúc này khi mà nguồn lực về thiên nhiên, nguồn lực có tính vật chất đang cạn kiệt thì nguồn tài nguyên về con người phải được đẩy mạnh khai thác, không có tài nguyên nào quý giá hơn con người – người tài. Nhìn ra các quốc gia phát triển đều thấy quan trọng nhất là do sử dụng nhân lực tốt nên họ có thể đi lên bằng hai bàn tay không, như Hàn Quốc, Nhật Bản vậy.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm