1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trẻ em - “mồi ngon” của nạn xâm hại tình dục

(Dân trí) - Trong 3 năm gần đây, các vụ xâm hại trẻ em, bạo lực trong gia đình đã tăng gấp 3 lần, ở cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần. Tình trạng xâm hại trẻ, đặc biệt là xâm hại tình dục diễn ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng.

Thống kê của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho thấy như vậy.

Báo động tình trạng trẻ em bị xâm hại

Tại Hội Nghị Phòng chống xâm hại trẻ em mới được tổ chức tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an báo cáo: từ năm 2005 -2007, số vụ xâm hại trẻ em, số đối tượng phạm tội và số trẻ em bị xâm hại đã lên tới 5.070 vụ, số trẻ bị xâm hại là 1.766 em (nam 519, nữ 1.247), đã bắt giữ xử lý 1.994 đối tượng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoà Nam, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh Xã hội): “trên thực tế, số vụ xâm hại bạo lực ngược đãi trẻ em còn cao hơn nhiều, do nhiều vụ không được gia đình nạn nhân khai báo, tố cáo đối tượng vì mặc cảm, sợ ảnh hưởng đế tương lai của trẻ”.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại trẻ, đặc biệt là xâm hại tình dục diễn ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Cụ thể, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm 56,3% tổng số vụ xâm hại trẻ em, trong đó số vụ hiếp dâm chiếm 65,5%.

Những địa phương xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em nhiều nhất là: Hà Nội, Đồng Nai, Đăk Lăk, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bắc Giang. Các địa phương xảy ra nhiều vụ giết trẻ em có: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đắk Lắk.

Trong thời gian 2 năm trở lại đây và đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2008 đã có nhiều vụ việc gây “sốc” dư luận như: Vụ cháu Huỳnh Thị Ngọc Trâm, 10 tuổi, tại Đồng Tháp bị thầy hiệu trưởng, tổng phụ trách đội doạ nạt, ép cung dẫn đến hoảng loạn mất khả năng nói trong thời gian dài; em Nguyễn Thị Bình trong nhiều năm bị cả hai vợ chồng chủ quán bán phở ở đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) bóc lột sức lao động, đánh đập dã man; Vụ bé Bông tại TPHCM bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin từ sáng đến đêm, bị đánh đập dã man nếu như không kiếm đủ 200 nghìn đồng/ngày, thậm chí bị dội nước sôi vào người; cháu Đỗ Ngọc Bảo Trâm, 18 tháng tuổi, bị cô giáo dùng băng dính bịt miệng, ngạt thở và tử vong. Các em nhỏ ở cơ sở trông giữ trẻ của Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) bị quát mắng, đánh đập tàn nhẫn vào các giờ ăn.

Không những phải gánh chịu những nguy cơ xâm hại từ gia đình hay cộng đồng, trẻ nhỏ cũng đang là “mồi ngon” của những tổ chức tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em trong nước và xuyên quốc gia.

Bộ Công an cũng cho biết, tệ nạn buôn bán trẻ em không dừng ở dụ dỗ lừa đảo mà đã xuất hiện một số vụ đối tượng đột nhập vào nhà giết cha mẹ để đoạt trẻ em (xảy ra ở Hà Giang) hình thành các đường dây buôn bán trẻ sơ sinh ở các gia đình có hoàn cảnh éo le để đưa ra nước ngoài bán (xảy ra ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc).

Hệ thống bảo vệ trẻ em bị lãng quên

Sự phát triển về kinh tế - xã hội đang diễn ra mạnh mẽ từng ngày đã đã tạo ra sự phân hoá giàu nghèo và mức sống chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư giữa các vùng dẫn đến sự gia tăng của nhóm đối tượng là trẻ em lang thang kiếm sống. Đây chính là những đối tượng dễ bị lạm dụng, bóc lột vì các mục đích thương mại khác (mại dâm, khiêu dâm, bán người…). Tại không ít những gia đình bị xô lệch, rạn vỡ về tình cảm, rất nhiều bậc cha, mẹ đã không còn quan tâm bảo vệ con cái, thậm chí còn ngược đãi khiến trẻ bị tổn hại nặng nề và lâu dài hơn.

Theo ông Đặng Hoà Nam, điểm yếu hiện nay là pháp luật nước ta chưa có những quy định đầy đủ, cụ thể về các hành vi và chế tài xử phạt đối tượng xâm hại trẻ em và bạo lực đối với trẻ em, nhất là xâm hại về mặt tinh thần. 

Cho tới nay, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em cũng chưa được quan tâm đầu tư kể cả nguồn lực và trí tuệ, sáng tạo nên chưa đủ sức đề kháng trước sự xâm nhập ồ ạt của  “văn hoá” bạo lực, tình dục.

Ông Jesper Morch - Trưởng đại diện UNICEF, cho rằng “các em là những bằng chứng sống cho thấy chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ các em”.

Ông Mark T. Pierce - Giám đốc Plan, cho biết ngày 7/10 tới, Plan sẽ công bố chiến dịch “Phòng chống bạo lực học đường”. Chiến dịch này nhằm ngăn ngừa tất cả các hình thức bạo lực học đường, tập trung vào 3 hình thức chính là: trừng phạt thân thể và tinh thần; xâm hại tình dục và bắt nạt.

“Cần hành động ngay trước khi “của để dành” cho thế hệ mai sau bị thương tổn”, ông Pierce nhấn mạnh.

P. Thanh

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái