Vụ đưa hàng trăm trẻ ra nước ngoài làm con nuôi:
Trẻ bị bỏ rơi “nhập cư” xã...?
(Dân trí) - Cán bộ y tế xã Yên Lương, Yên Tiến (huyện Ý Yên) khẳng định có trẻ được “đẻ rơi” tại trạm y tế xã rồi Trạm trưởng mang đi đâu không rõ. Số lượng trẻ vô thừa nhận “gắn mác” xã chuyển lên Trung tâm trợ giúp nhân đạo huyện tới cả chục trường hợp.
Sản phụ sinh xong là mang đi ngay
Tìm về Nam Định thời gian này, người dân khắp nơi bàn tán xôn xao về chuyện các Trạm trưởng trạm y tế xã mang trẻ con đi làm con nuôi người nước ngoài.
Cách trạm y tế xã Yên Lương khoảng vài trăm mét, chúng tôi tìm tới nhà chị Phạm Thị Tuyết, một cán bộ của Trung tâm y tế xã, người trực tiếp được trạm trưởng Trương Công Lịch nhờ đỡ đẻ cho một sản phụ.
Chị Tuyết cho biết, năm 2007 bản thân chị trực tiếp đỡ một ca sinh nở do trạm trưởng mang đến, nói là người nhà. Sản phụ này khi đó rất trẻ, sinh năm 1988. Nhưng khi vừa đẻ xong ngày hôm sau lập tức Trạm trưởng mang cả mẹ lẫn con đi ngay, không cần làm giấy chứng sinh.
“Ngoài trường hợp duy nhất là “người nhà” trạm trưởng đến “đẻ... nhờ” đó, số trẻ được trạm trưởng làm giấy chứng sinh, lập hồ sơ đưa lên trung tâm cứu trợ nhân đạo chăm sóc đều ở nơi khác đến, chứ xã này không có ai” - chị Tuyết khẳng định.
Nữ hộ sinh này cho biết thêm “cũng có một số trường hợp ở nơi khác đến đây sinh đẻ, nhưng không biết là ai, ai có nhu cầu thì chúng tôi làm (đỡ đẻ - pv) vì đó là công việc của chúng tôi”.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Cầu, Phó Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Lương được biết: “Cuối năm 2007 có một trường hợp sản phụ nghe nói là còn đang tuổi học sinh được trạm trưởng mang đến trạm chờ “vượt cạn”, sau đó chuyển đi ngay.
Trạm trưởng cũng chỉ gọi điện thông báo lại cho tôi biết và mãi sau này mới quay lại làm các thủ tục để chuyển lên Trung tâm trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên. Do đó, việc làm thủ tục có chuyện nhầm lẫn về năm sinh”.
Còn chuyện làm giả mạo giấy tờ hồ sơ, ông Cầu khẳng định, cán bộ trong trạm hoàn toàn không hay biết cho đến khi Công an vào cuộc.
Bà Đỗ Thị Xuyến, Phó Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Tiến nói “hàng năm, có không ít sản phụ nơi khác đến đẻ rơi, sau đó được chuyển lên trung tâm trợ giúp nhân đạo. Còn số lượng cụ thể bao nhiêu tôi không biết vì có nhiều ca trực khác nhau nên mọi người phải báo cáo trực tiếp lên trạm trưởng”.
“Nếu không vì tiền, đó là việc làm nhân đạo”
Ông Phạm Mạnh Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: “Đến giờ, huyện chỉ được biết 2 đồng chí trạm trưởng y tế xã và một người ở thành phố Nam Định với lý do làm sai lệch hồ sơ và lợi dụng việc này để trục lợi.
Ở Ý Yên đã có tin đồn là đưa trẻ ra nước ngoài, một số cháu để bán nội tạng nhưng thông tin hoàn toàn chưa có căn cứ”.
Nhưng theo ông, khó có khả năng này vì việc đưa các cháu ra nước ngoài là thuộc thẩm quyền của Cục con nuôi (Bộ Tư pháp) mà được biết, các tổ chức này có trách nhiệm phải thông báo thường xuyên tình hình của các cháu cho đến khi đủ 18 tuổi.
Trung tâm trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện do bà Trần Thị Lương trước là chủ nhiệm UB Dân số gia đình & Trẻ em, trực tiếp phụ trách.
Hiện tại, bà Lương là trưởng phòng văn hoá huyện. Từ năm 2006 đến giờ, trung tâm vẫn tiếp nhận các cháu. Từ tháng 3/2006 đến tháng 4/2008 vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận gần 200 trẻ, trong đó có 101 cháu được đưa ra nước ngoài.
Vừa qua, khi đang kiểm tra lại cơ sở vật chất của Trung tâm để chuyển giao cho phòng Y tế thì mới phát hiện việc nhận nhiều trẻ có dấu hiệu bất thường. Cơ quan chức năng khi đó nghi ngờ có sai phạm trong việc nhận nuôi các cháu.
Công an tỉnh Nam Định, sau khi xem xét thấy nhiều điểm bất thường. Chỉ trong vòng 2 năm mà trên địa bàn một xã có tới 7 - 9 trường hợp trẻ thuộc diện con rơi, đưa vào trung tâm.
Ông Tiếp khẳng định, con số này rõ ràng là bất bình thường. Đến nay, ít nhất đã thấy ở 2 xã Yên Tiến, Yên Lương “dính” án. Trạm trưởng Y tế 2 xã này bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 14/6 vừa qua.
Sau khi xem xét, công an phát hiện, có nhiều cháu không sinh trên địa bàn mà được đưa từ các nơi khác về nhưng lại lập hồ sơ trẻ bị bỏ rơi tại trạm y tế xã để chuyển lên trung tâm.
Vấn đề cần xem xét hiện nay là mục đích của việc làm này. Ông chủ tịch huyện phân tích, nếu động cơ không “vì tiền” thì đó là việc làm nhân đạo. Nhưng nếu cố tình làm trái “vì tiền” thì rõ ràng có sự “vụ lợi” ở đây.
Sai phạm xảy ra trong việc nhận, đưa trẻ vào trung tâm nuôi dưỡng khiến huyện “đau đầu” vì tin đồn xôn xao trong dân. Lãnh đạo UBND huyện cũng nhận được một lá đơn nặc danh gửi đến, nội dung tố cáo ở trung tâm có hiện tượng buôn bán trẻ em.
Trong quá trình làm hồ sơ cho các cháu, Trần Ngọc Lãm và 2 trạm trưởng y tế xã nhận được một số tiền. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa khẳng định được thông tin này có cơ sở.
Ông Phạm Mạnh Tiếp cho biết, hiện huyện đang lo chuyển các cháu còn lại sang những trung tâm có điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn. Ông Chủ tịch thừa nhận, hiện tại trung tâm rất khó khăn, Giám đốc trung tâm thì làm “kiêm nhiệm”, Trung tâm thì đang “phong toả” chờ điều tra, đội ngũ cán bộ không đầy đủ, tư tưởng bất an, sự quan tâm đến các cháu có thể không đầy đủ.
Về vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện, ông Tiếp khẳng định, chưa đặt ra vì sai phạm ở khâu “đầu vào” của trẻ. Một đồng chí Phó Chủ tịch huyện chỉ ký một số văn bản cuối cùng để hoàn tất hồ sơ sau khi Cục con nuôi đã gửi hồ sơ hợp lệ việc nhận các cháu làm con nuôi quốc tế.
Tuấn Hợp - Phương Thảo