1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Trâu gác bếp, chẩm chéo làm nên sức hấp dẫn cho du lịch vùng cao

Hoài Thu Hà Mỹ Ngọc Tân
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - "Du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu đi đúng hướng, có nhiều sản phẩm độc đáo và thu hút du khách, từ ẩm thực bản địa như trâu gác bếp, chẩm chéo, lẩu mắm", Bộ trưởng Hùng nói.

Sáng 6/6, tiếp tục phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng có 30 phút trả lời 11 câu hỏi chất vấn của các đại biểu (8h-8h30).

1. Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nêu vấn đề thời gian vừa qua, giá vận chuyển trong nước tăng cao, điển hình là giá vé máy bay tăng cao dẫn đến giá tour du lịch trong nước tăng cao so với tour du lịch quốc tế. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề này, nhất là về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

2. Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) hỏi về giải pháp cho chính sách pháp luật về đất đai nhằm thu hút đầu tư du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo sinh kế và nâng cao đời sống người dân.  

3. Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc nhiều doanh nghiệp sẵn sàng góp vốn cùng với vốn của ngân sách Nhà nước để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với khai thác du lịch, trong khi các cơ chế, chính sách về vấn đề này chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp còn do dự.

Đồng thời, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt vấn đề Bộ chưa ban hành các đơn giá dịch vụ công dẫn đến chủ trương tự chủ ở lĩnh vực văn hóa rất khó khăn, hỏi khi nào sẽ ban hành được các nội dung này.

Trâu gác bếp, chẩm chéo làm nên sức hấp dẫn cho du lịch vùng cao - 1

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng có 30 phút đầu giờ sáng 6/6 để trả lời 10 câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội (Ảnh: Hoàng Phong).

4. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) hỏi cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch.

5. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) dẫn báo cáo của Bộ VH-TT&DL cho biết một khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch là sản phẩm du lịch đường biển, đường sông còn thiếu hạ tầng, cảng khách chuyên biệt, bến thủy, môi trường kênh rạch chưa đảm bảo.

Nữ đại biểu hỏi Bộ trưởng đã có đề xuất, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan như thế nào để giải quyết khó khăn này?

6. Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá để thực hiện được tốt nhất việc bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

Cùng với đó, nữ đại biểu cho biết hiện nay, chữ viết và văn hóa bản sắc dân tộc không những mai một mà chỉ cần 10 năm, 20 năm nữa, một số dân tộc thiểu số sẽ không còn nói được tiếng nói của mình. Bà đặt câu hỏi Bộ trưởng có giải pháp nào duy trì bản sắc, bảo tồn loại hình này.

Câu hỏi này cũng được đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm rõ thêm, liên quan bộ sách dạy tiếng dân tộc trong thời gian tới.

Riêng câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời bằng văn bản cho đại biểu Leo Thị Lịch.  

7. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn thông tin cả nước có hơn 40.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, trong đó có 8 di tích danh lam, thắng cảnh được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 di tích quốc gia đặc biệt và rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

"Nhưng Báo cáo số 136 của Bộ VH-TT&DL có nêu hạn chế đối với ngành du lịch là còn thiếu sản phẩm du lịch. Theo Bộ trưởng, tại sao lại có hạn chế này và làm gì để khắc phục hạn chế nêu trên?", đại biểu đặt vấn đề. 

8. Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho biết việc xem xét công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để ghi nhận công lao đóng góp, tri ân đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng có công nuôi dưỡng, cưu mang, đùm bọc các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, đã hơn 4 năm chờ đợi, các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng tại các xã trên chưa được triển khai. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ ngành thế nào để triển khai chính sách trên. 

9. Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) hỏi về tình hình thực hiện Đề án 1437 của Chính phủ năm 2016 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài, cũng như giải pháp để đạt mục tiêu Đề án đặt ra là đến năm 2030, nước ta sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa nghệ thuật.

10. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề cập mô hình du lịch hỗn hợp kết hợp giữa nông, lâm nghiệp được các bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp đã mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm, xây dựng hình ảnh đẹp và góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. 

Tuy nhiên, mô hình này gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển. Đại biểu hỏi Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này và trách nhiệm của Bộ trưởng trong thời gian tới. 

11. Đề cập đến sản phẩm văn hóa phi vật thể, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) dẫn lại vụ kiện của ca sĩ Đan Trường và Sở Văn hóa TPHCM cách đây 10 năm, sau đó ca sĩ đã thắng kiện. 

Trong vụ việc này, Sở Văn hóa TPHCM lúc đó nhận diện các pano, áp phích trong đêm nhạc của ca sĩ không phù hợp với văn hóa, trẻ con đi đường nhìn thấy những hình ảnh đó rất sợ. Ca sĩ Đan Trường thì nói rằng đó là biểu hiện tôn vinh hát bội trong đêm nhạc. 

Theo đại biểu tỉnh Trà Vinh, ví dụ trên cho thấy nhận diện văn hóa phi vật thể là rất khó, trong khi đó đối với dân tộc thiểu số thì văn hóa vật thể còn rất hữu hạn, văn hóa phi vật thể mới là quan trọng.

Ông hỏi Bộ trưởng giải pháp đặc thù của ngành để giá trị văn hóa phi vật thể rất giàu bản sắc đóng góp vào đời sống vật chất còn rất nghèo khó của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.