Trần Văn Giàu: Nhà trí thức tài đức vẹn toàn
(Dân trí) - Nói về GS Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận định, đó là nhà trí thức tài đức vẹn toàn. Bởi GS Trần Văn Giàu mới đủ đức, đủ tài để quy tụ tất cả các nhà khoa học lịch sử, cả cũ lẫn mới…
GS Trần Văn Giàu (ảnh chụp đầu năm 2010)
Một nhà khoa học lớn, một nhân cách lớn
Từ năm 1951, GS Trần Văn Giàu được giao trách nhiệm xây dựng trường dự bị đại học. Từ đó, ông gắn bó gần 60 năm với ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học lịch sử. Cả đời ông đã viết hàng trăm tác phẩm sử học có giá trị. Cho nên, đánh giá đầu tiên về ông của nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đình Đầu là: “Ông là một nhà khoa học chân chính”.
Cái chân chính mà NNC Nguyễn Đình Đầu muốn nói là: “Nghiên cứu lịch sử thì phải trung thực. Trong chiến tranh, bác Sáu Giàu nghiên cứu vừa phục vụ khoa học vừa phục vụ kháng chiến. Cho nên ông đề cao triều Tây Sơn, bởi triều Tây Sơn là một triều đại giàu chiến công chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nhưng khi hòa bình thống nhất, ông cũng nhìn lại những đóng góp của nhà Nguyễn, thành tích mở mang bờ cõi không thể phủ nhận của nhà Nguyễn”.
NNC Nguyễn Đình Đầu nhận định: “Đó là phong cách của một nhà khoa học lớn. Chính sự phóng khoáng, tinh thần rộng rãi ấy của bác Sáu Giàu đã quy tụ được tất cả những nhà khoa học lịch sử từ Bắc vào Nam, cả người mới và người cũ (trí thức của chính quyền Sài Gòn) với những xu hướng nghiên cứu khác nhau về ý thức hệ”.
NNC Nguyễn Đình Đầu còn nhận xét thêm: “Ông vừa có tài, vừa có đức, một nhân cách lớn của dân tộc. Ông luôn gần gũi và thân tình với anh em đồng nghiệp, luôn nhún nhường và khích lệ người khác. Nhiều người xem ông là thầy và nhiều người thực sự là học trò của ông, nhưng ông vẫn bảo họ là: “Trong công tác, các anh còn hơn tôi”. Chính điều ấy động viên chúng tôi cố gắng nhiều hơn để cống hiến cho nền khoa học nước nhà”.
Chính vì vậy, NNC Nguyễn Đình Đầu thương tiếc nhấn mạnh: “Sự ra đi của bác Sáu Giàu là một mất mát quá lớn đối với ngành khoa học lịch sử nước nhà. Bác Sáu Giàu là người có thể quy tập tất cả anh em nghiên cứu khoa học lại với nhau”.
Một lãnh đạo tài năng, một anh kiệt của phương Nam
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm thăm GS Trần Văn Giàu nhân dịp GS tròn 100 tuổi
Tuy hơn nửa đời người GS Trần Văn Giàu gắn liền với công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học nhưng khi nhắc đến ông, ai cũng nhớ đến thời gian oanh liệt của nhà lãnh đạo kháng chiến, về giai đoạn lịch sử ông đã lãnh đạo cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân Sài Gòn - Gia Định, dẫn dắt đồng bào chống lại thực dân Pháp khi chúng quay trở lại xâm lược miền Nam.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Ông là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tài hùng biện, thu hút quần chúng, quyết đoán và biết chớp thời cơ phát động kháng chiến sớm ở miền Nam. Thời gian ông làm Chủ tịch Ủ̉y ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ là thời gian oanh liệt nhất, xứng đáng là anh kiệt của phương Nam”.
NNC Nguyễn Đình Đầu kể: “Lần đầu tiên tôi gặp bác Sáu Giàu là từ cuối năm 1945, khi bác từ Nam ra Bắc để diễn thuyết cho thanh niên, sinh viên… Phải công nhận bác là người nói giỏi, là thần tượng của chúng tôi về lòng yêu nước và kháng chiến chống ngoại xâm”.
Nhận định về tài năng khoa học của GS Trần Văn Giàu, luật gia Lê Hiếu Đằng cho rằng: “Ông là một nhà khoa học xuất sắc, có nhiều tác phẩm giá trị đóng góp cho sự phát triển của ngành sử học nước nhà”.
Tùng Nguyên