1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

GS Đinh Xuân Lâm: “Không học thầy Giàu tôi đâu được như giờ”

(Dân trí) - “Buổi tối nhận được điện của anh Dương Trung Quốc báo GS Giàu mất, tôi với anh Phan Huy Lê không đột ngột vì biết thầy ốm lâu rồi, nhưng tôi rất buồn. Tối đó tôi đã rất suy nghĩ, nhớ lại những kỷ niệm với thầy”, GS sử học Đinh Xuân Lâm bùi ngùi.

Trong nhìn nhận của nhiều người, GS sử học Đinh Xuân Lâm là học trò được thầy Trần Văn Giàu quý mến nhất. Còn với GS Lâm, thầy Giàu cũng là người ông kính trọng nhất.
 
Danh xưng ít người có được
 
GS Đinh Xuân Lâm kể, trước khi ông gắn bó với GS Trần Văn Giàu (1954), tiếng tăm của ông Giàu đã vang lừng. Qua báo chí, đặc biệt báo Sự thật của Đảng đưa tin về hoạt động của ông Giàu ở trong Nam, nhất là cách ứng xử, đối phó với các giáo phái lúc bấy giờ nhiều người đã nể phục.
 
“Cũng có người nhận định cách hoạt động của ông Giàu có phong thái của một hảo hán, trượng phu của miền Nam. Chúng tôi lúc đó đang là học sinh trung học rất cảm mến, phục tài và mong được gặp, được nhìn thấy xa xa”, GS Lâm nhớ lại.
 
GS Đinh Xuân Lâm: “Không học thầy Giàu tôi đâu được như giờ” - 1
GS Đinh Xuân Lâm: "GS Trần Văn Giàu là một nhà chính trị có tài"
 
Trong những câu chuyện sau này thầy Giàu kể lại, GS Đinh Xuân Lâm rất tâm đắc với sự kiện 2/9/1945 tại Sài Gòn. Ngày đó, trong Nam tổ chức một cuộc mít tinh rất lớn ở Sài Gòn để nghe truyền thanh bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ từ ngoài Hà Nội. Nhưng cuối cùng do trục trặc kỹ thuật, đồng bào Sài Gòn không nghe được lời Bác đọc. Do tình thế bức bách, ông Giàu đã đứng lên nói.
 
Có một điểm rất hay là bài nói đó được báo Pháp ghi lại và khi tìm được trong lưu trữ thì nội dung cơ bản giống bài của Bác Hồ nói ngoài Hà Nội. “Rõ ràng những tư tưởng lớn đều giống nhau, đều trên cơ sở một tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng”, GS Đinh Xuân Lâm nhìn nhận.
 

"Tôi rất biết ơn GS… Cuộc đời một giáo viên phổ thông như tôi ở một tỉnh nhỏ như tỉnh Thanh Hóa, dù dạy ở một trường rất nổi tiếng là trường Lam Sơn nhưng nếu không được ra học, được làm việc với GS Giàu thì tôi không được như bây giờ", GS Đinh Xuân Lâm tâm sự.

Không lâu sau đó, ông Giàu với tư cách Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của Sài Gòn và cả miền Nam lúc bấy giờ phải tổ chức công cuộc đánh Pháp vì địch đã gây hấn. Nhưng đúng lúc ấy ông được gọi ra Bắc…
 
Khi ra Bắc, đầu tiên ông Giàu làm Giám đốc ngành thông tin, qua nhiều công tác, chức vụ mới chuyển qua ngành giáo dục, đi dạy học. Ông về Thanh Hóa dạy dự bị đại học, sư phạm cao cấp (được tổ chức trong kháng chiến tại huyện Thiệu Hóa).
 
Lúc bấy giờ, anh giáo Đinh Xuân Lâm dạy ở trường TH Lam Sơn bên cạnh thường hay tới nghe các buổi nói chuyện của thầy Giàu với sự háo hức của tuổi trẻ, bất chấp phải đi đêm, đạp xe đạp. Các bài nói chuyện của thầy Giàu trong cái nhìn của anh giáo Lâm không chỉ thu hút về nội dung mà còn vì tài hùng biện.
 
Sau này có lần thầy Giàu kể, thời ở tù Côn Đảo khi tổ chức lớp học giảng về chính trị, về lịch sử, ông đứng lớp nhìn xuống dưới thấy rất nhiều nhân vật nổi tiếng như cụ Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ… cũng ngồi nghe. Thầy hóm hỉnh, về kiểm điểm lại thấy mình nói cũng… được.
 
Từ lâu, thầy Giàu đã được tiếng là “giáo sư đỏ”, danh xưng ít người có được. Chỉ có thể kể đến vài cái tên như Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Đăng Trừng.
 
“Thầy phóng khoáng lắm”
 
Khi anh giáo Đinh Xuân Lâm vào học Đại học Văn khoa, thầy Giàu là chủ nhiệm khoa Sử. Năm thứ 3 trò Lâm bắt đầu học lịch sử cận đại, hiện đại do thầy Giàu trực tiếp phụ trách. “Như vậy là rất toại nguyện vì không chỉ được gặp người nổi tiếng mà còn được học và trở thành người học sinh thân cận của thầy”, GS Đinh Xuân Lâm tâm sự.
 
Sau khi tốt nghiệp, Đinh Xuân Lâm cùng với Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng có điểm số cao nên được giữ lại khoa Sử đào tạo làm cán bộ giảng dạy sau này. Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng được GS Đào Duy Anh trực tiếp hướng dẫn vì đi về ngành cổ sử Việt Nam, còn Đinh Xuân Lâm làm việc, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GS Giàu, tổ trưởng tổ lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
 
GS Giàu rất tin vào cán bộ trẻ và trò Lâm nhớ như in câu nói của thầy: “Tôi ném các chú xuống sông, các chú không biết bơi thì tìm cách mà bơi, bơi theo lối tô tô, tùy cách chú, phải tự cứu mình”.
 
GS Đinh Xuân Lâm: “Không học thầy Giàu tôi đâu được như giờ” - 2
Vợ chồng GS Giàu và các học trò Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê
 
Sau một năm ở lại trường, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm đã được thầy Giàu “tung” vào đứng lớp. Cũng chỉ hơn 1 năm làm việc cùng, thầy Giàu đã giúp đỡ Đinh Xuân Lâm cùng viết chung 1 cuốn sách.
 
Có kỷ niệm rất vui của Đinh Xuân Lâm là trong 1 cuộc họp trò Lâm được thầy Giàu đưa cho một gói giấy, tưởng thầy nhờ giữ nên cuối giờ anh trả lại, nhưng thầy bảo: “Không, đấy là tiền nhà xuất bản đưa cho chú và chú Sự - một đồng tác giả”. Cả đời mới thấy một số tiền lớn thế nên anh Lâm và anh Sự bàn nhau đem gửi ở Ngân hàng Hà Nội.
 
Biết tin thầy Giàu gọi lên nói đó là tiền đưa để ăn, bồi dưỡng để các anh còn làm việc. Hai người lại phải ra ngân hàng rút về tiêu dần. “Ông phóng khoáng, dân chủ lắm, tuy nhiên rất chặt chẽ trong lúc làm việc, yêu cầu cao, đòi hỏi nghiêm khắc”, GS Lâm nói.
 
Cuộc đời chính trị không hanh thông
 
Với GS Đinh Xuân Lâm, GS Giàu là một nhà chính trị có tài, nổi tiếng vì ông đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin ở tận nơi chủ nghĩa này ra đời (tốt nghiệp vào hạng xuất sắc ĐH Phương Đông) và cũng bởi ông là nhà tư tưởng, nhà triết học.
 

"Về cơ bản, phải nói đó là một nhà chính trị lỗi lạc, một trí thức uyên thâm, tất cả đều đặt trên tinh thần yêu nước nồng nàn và đặc biệt kính phục Bác Hồ. Ông có tình cảm rất lớn với Bác vì lúc ở Châu Âu ông cũng từng hoạt động, từng là học trò của Bác", GS Đinh Xuân Lâm nói.

Thời điểm còn giảng dạy, GS Giàu dù chưa có điều kiện đi vào từng giai đoạn cụ thể của lịch sử Việt Nam, nhưng vì tư tưởng, nhận thức của một nhà chính trị tài năng nên về những sự kiện, những nhân vật lịch sử, GS có đánh giá, nhận định rất nhanh.
 
Không phải không có lý do mà những người đỗ đạt rất cao, những người rất học thức như GS Trần Đức Thảo (nhà triết học lừng danh), GS Đào Duy Anh cũng đều rất phục dù chưa hẳn GS Giàu là người nghiên cứu lịch sử chuyên sâu.
 
Nhưng theo GS Lâm, cuộc đời chính trị của thầy Giàu không hẳn hanh thông. Ông có tài như vậy nhưng cũng gặp nhiều trục trặc, nên mới có việc chuyển công tác, rút ra khỏi mặt trận miền Nam khi sắp bùng nổ chiến tranh, tức rút tướng ra khỏi mặt trận.
 
GS Lâm nhớ, trong một lần vào Nam công tác, tại một cuộc họp mặt các học sinh cũ của thầy Giàu, GS Lâm có nói: “Thầy may vì rút khỏi cuộc sống chính trị sớm để vào đời sống khoa học nên thầy trở thành một nhà khoa học chân chính, có vị trí hàng đầu. Còn nếu cứ ở chính trị thì dễ vấp váp vì thầy tin người... Hơn nữa thầy hoạt động cực kỳ hợp trong thời kỳ còn đang nhiều xáo động, chứ còn lúc đi vào ổn định thì dễ vấp”.
 
Sau khi nghe trò Lâm nói vậy, thầy Giàu “hơi đỏ mặt”, còn trò Trần Quốc Vượng rất lo cho Lâm. Nhưng khi giải lao, trò Lâm đang đi trong sân, thầy Giàu lại gần, bá vai bảo: “Tôi suy nghĩ lại thì thấy chú nói có phần đúng đấy”… Câu thầy nói càng củng cố nhìn nhận của trò Lâm về một người thầy rất cởi mở, dân chủ và rất cách mạng.
 
Nhìn lại những chặng đường dài gắn bó với GS Giàu, GS Lâm xúc động: “Rõ ràng trong sự trưởng thành của chúng tôi có dấu ấn của thầy rất rõ. Tôi có thể nói anh Lê, anh Vượng, anh Tấn (Hà Văn Tấn - PV) và tôi nếu không có sự dìu dắt, hướng dẫn, thúc đẩy của GS Giàu thì sẽ không có ngày hôm nay”.
 
Cấn Cường - Phương Thảo