Bí thư TPHCM:

Trân trọng tri ân những "người vận chuyển" kiên cường trong đại dịch!

Q.Huy

(Dân trí) - Lực lượng tài xế, lái xe đã nỗ lực, kiên nhẫn chờ đợi những cuộc gọi để cứu người như chờ tin tức từ người thân của mình. Họ đã thức trắng đêm, ghì chặt vô lăng, ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ.

Ngày 30/1, Thành ủy TPHCM tổ chức buổi gặp mặt tri ân các đơn vị, cá nhân tiêu biểu tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân trong thời gian thành phố trải qua đại dịch Covid-19. Họ là những tài xế thuộc các trung tâm cấp cứu, các công ty vận tải và cả những tình nguyện viên đã không quản khó khăn, gian khổ để kịp thời đưa bệnh nhân nguy kịch tiếp cận với hệ thống y tế trong thời gian ngắn nhất.

"Với sự ngưỡng mộ, lòng tri ân sâu sắc, tôi xin nghiêng mình trước những hy sinh thầm lặng mà cao cả của những chiến sĩ dũng cảm lái xe cứu người trong đại dịch. Tấm lòng, tình cảm, nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ in đậm trong tâm trí mỗi người", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.

Những lằn ranh sinh tử

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM chia sẻ, trong quãng thời gian căng mình chống dịch, các chuyến xe tình nguyện ngoài việc vận chuyển bệnh nhân còn giúp địa phương vận chuyển lực lượng, trang, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm. Những chuyến xe trong tâm dịch là những câu chuyện về tình người, về lằn ranh sinh tử trong thời điểm thành phố khó khăn nhất.

Trân trọng tri ân những người vận chuyển kiên cường trong đại dịch! - 1

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Trong quãng thời gian ấy, không ít tài xế đã mắc Covid-19, và lập tức sẵn sàng tiếp tục nhiệm vụ ngay sau khi khỏi bệnh. Ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, đó là những con người tuy bình dị nhưng có suy nghĩ, hành động phi thường.

"Chúng ta đã nghe về kỷ niệm của những người vận chuyển. Nghe thoáng qua tưởng chỉ là những câu chuyện bình thường, nhưng càng chở được nhiều người, đồng nghĩa với việc cứu được nhiều người. Trong tâm dịch, họ đã không hề do dự, né tránh để xông pha ra tuyến đầu", Bí thư Thành ủy TPHCM xúc động.

Trong khoảng thời gian ấy, lực lượng tài xế, lái xe đã nỗ lực, kiên nhẫn chờ đợi những cuộc gọi để cứu người như chờ tin tức từ người thân của mình. Họ đã thức trắng đêm, ghì chặt vô lăng, ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. 

Ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ, khi thành phố không còn ám ảnh bởi tiếng còi xe cấp cứu như trước đây, những con người đã góp công giúp địa bàn vượt qua những ngày tháng cam go cần được nhớ tới. Bởi vậy, các địa phương cần tiếp tục rà soát danh sách các lực lượng tình nguyện để có hình thức tri ân phù hợp, không bỏ sót.

"Tôi cũng xin được thay mặt cho hàng trăm ngàn gia đình, thân nhân người mắc Covid-19 tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ dũng cảm đã nỗ lực tối đa để bằng mọi cách sẻ chia, hỗ trợ, cứu giúp trong thời điểm hoạn nạn, hiểm nghèo", Bí thư Thành ủy TPHCM nói lời tri ân.

Giấu vợ để vận chuyển F0

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, anh Đặng Xuân Tùng, tài xế taxi, cho biết, anh từng phải giấu vợ để tham gia vận chuyển bệnh nhân Covid-19. Trong thời gian đầu tham gia công việc, người thân và gia đình anh có phần lo lắng cho sự an toàn của người tài xế.

Anh Tùng kể lại, trong 3 tháng ròng rã, anh luôn mặc đồ bảo hộ kín mít để sẵn sàng đón và đưa bệnh nhân khi có yêu cầu. Trong thời gian ấy, gần như không có đêm nào anh ngủ yên giấc.

"Có bữa, tôi mặc đồ bảo hộ, khi đưa bệnh nhân vào viện, gia đình bệnh nhân cúi đầu cảm ơn "bác sĩ" do tưởng anh là nhân viên y tế. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy vui, quên đi hết mệt nhọc", anh Đặng Xuân Tùng nhớ lại.

Trân trọng tri ân những người vận chuyển kiên cường trong đại dịch! - 2

Các tài xế taxi cấp cứu F0 kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ (Ảnh: Hải Long).

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thông tin, từ tháng 6 đến tháng 10/2021, đơn vị nhận được trung bình 4.000 cuộc gọi mỗi ngày, cao gấp 30 lần ngày thường. Khi số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, lực lượng cấp cứu ngoại viện không có thời gian ngủ nhưng cũng không đủ để đáp ứng.

Từ ngày 23/6, trung tâm cần tuyển thêm các tình nguyện viên và nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều người trên mọi miền tổ quốc. Thời điểm ấy, cuộc chiến với Covid-19 tại TPHCM trải qua những ngày khốc liệt, khó khăn, đầy hy sinh và mất mát nhưng những người tài xế, lái xe đã vững tin, chủ động vượt qua.

"Đã có nhiều người trở thành F0 đến 2 lần, nhưng vẫn mong chóng lành để lại lao vào cuộc chiến. Cũng có người đã mãi mãi ra đi trong khi đang làm nhiệm vụ", bác sĩ Nguyễn Duy Long ngậm ngùi.