(Dân trí) - Trở về sau 2 tháng ở tâm dịch Bắc Giang, vừa hoàn thành cách ly, chàng trai trẻ Đặng Minh Trí một lần nữa khiến cả nhà "phát hoảng" khi tiếp tục tình nguyện vào tâm dịch TPHCM.
Trở về sau 2 tháng ở tâm dịch Bắc Giang, vừa hoàn thành cách ly, chàng trai trẻ Đặng Minh Trí một lần nữa khiến cả nhà "phát hoảng" khi tiếp tục tình nguyện vào tâm dịch TPHCM.
Chàng trai Đặng Minh Trí (SN 1997), sống tại xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cùng cha mẹ, chưa vợ, là con trai một trong gia đình có 2 chị em. Trí là chàng trai từng truyền cảm hứng với câu chuyện tình nguyện vượt hơn 500 km, lái xe cứu thương từ Quảng Bình ra Bắc Giang để góp sức cùng đội ngũ các y, bác sĩ chống dịch Covid-19 hồi tháng 5/2021. Thời điểm đó, Bắc Giang đang là tâm dịch lớn nhất cả nước, lúc cao điểm lên tới gần 500 ca mắc mới mỗi ngày. Trí lao vào vùng "lõi dịch" đó với tâm thế của một người "sẵn sàng cho đi tất cả"!
Đặng Minh Trí vốn là lái xe của Công ty TNHH vận tải Tâm Trí và đã có kinh nghiệm 6 năm lái xe cứu thương. Khi dịch tại tỉnh Bắc Giang bùng phát, thông qua các kênh truyền thông, chứng kiến sự vất vả của các y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đầy cam go, Trí đã không ngần ngại đưa ra quyết định "đi Bắc Giang". Nghĩ là làm, Trí xin ý kiến và đề xuất với lãnh đạo công ty để trực tiếp lái xe ra Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.
Hành trang lên đường của Trí là chiếc xe cứu thương với đầy đủ các dụng cụ y tế để làm công tác cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân và nhiều bộ quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn, khẩu trang y tế…
Tại Bắc Giang, Trí nhận nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển F0 vào bệnh viện, đưa F1 vào khu cách ly cũng như chở mẫu bệnh phẩm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương này. Thời điểm này dù đã tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch nhưng vì lý do sức khỏe, Trí chưa thể tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Nhớ lại những ngày tháng "liều mình như chẳng có" ấy, Trí cười tươi: "Đợt ở Bắc Giang, khi lần đầu tiên tiếp xúc và chở bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện, dù mặc đồ bảo hộ nhưng tôi vẫn rất run và lo lắng. Tối hôm đó về còn không ngủ được, cứ sợ "dính" dịch".
Nhưng nỗi sợ nào rồi cũng qua, nếu sợ Trí đã không đến với Bắc Giang. Và chàng trai "chưa được tiêm vắc xin" đó cứ lăn xả ở Bắc Giang như thế suốt 2 tháng trời.
Đến cuối tháng 7, khi tình hình dịch tại Bắc Giang được kiểm soát, Minh Trí mới trở về quê. Với những đóng góp tích cực, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chàng trai Đặng Minh trí đã được UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng Bằng khen.
Sau khi rời "điểm nóng" Bắc Giang, hoàn thành đợt cách ly y tế tại quê nhà, chàng trai trẻ Minh Trí không cho phép mình nghỉ ngơi. Lúc này dịch lại bùng phát tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở TPHCM, với cấp độ mạnh hơn gấp nhiều lần so với Bắc Giang. Trí lại một lần nữa đưa ra quyết định khiến cả nhà "phát hoảng": Vào TPHCM. Không những thế, lần này Trí còn ngỏ ý muốn có bố đồng hành. Và thật bất ngờ, quyết định của Trí nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của bố là ông Đặng Tri Thông.
Ngày 27/7, Trí và bố cùng đoàn cán bộ, nhân viên y tế Quảng Bình lên đường vào Nam. Ba tuần qua, 2 bố con Trí tham gia hỗ trợ chống dịch tại quận 10, TPHCM. Ngoài chiếc xe Trí tự lái từ Quảng Bình vào, tại TPHCM, ông Thông được giao thêm một chiếc xe 16 chỗ nữa. Hai bố con mỗi người một xe nhận nhiệm vụ chở các trường hợp mắc Covid-19 vào bệnh viện dã chiến, vận chuyển dụng cụ y tế, đội ngũ tình nguyện… Ngày nào cũng vậy, công việc của hai bố con bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối muộn.
Mỗi ngày riêng Trí thực hiện khoảng 5 chuyến xe chở bệnh nhân và vật dụng y tế. Khó khăn đôi khi không đến từ dịch bệnh mà vì… không biết đường đi. Ngày nào bố con Trí cũng sử dụng Google Maps nhưng nhiều tuyến đường, khu vực bị phong tỏa nên tra đường rồi vẫn không thể đi. Không ít lần 2 bố con đi nhầm đường, cứ vòng đi vòng lại...
"Có thể nói những ngày tháng tham gia chống dịch, chở bệnh nhân ở Bắc Giang rồi đến TPHCM là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi. Hồi ở Bắc Giang còn lo lắng, chứ ở TPHCM thì việc tiếp xúc với F0 đã là chuyện hằng ngày, cũng quen rồi. Những lần đầu mặc đồ bảo hộ kín mít, nắng nóng rất khó chịu, nhưng giờ thì cũng lại quen rồi", Minh Trí không biết cách nói nhiều về bản thân mình.
Trong những ngày tham gia chống dịch tại TPHCM, Trí đã đón hàng chục trường hợp F0 vào bệnh viện dã chiến. Có những chuyến đi khiến chàng trai trẻ Quảng Bình lòng nặng trĩu. Đó là chuyến Trí đón cả gia đình 5 người đều mắc Covid-19, trong đó có một em nhỏ chỉ mới 3, 4 tuổi cứ khóc thét khi nhìn thấy xe cứu thương. Rồi hình ảnh người nhà chỉ có thể đứng từ xa nhìn theo xe cấp cứu khiến Trí lòng quặn thắt.
Nhưng giữa vùng tâm dịch ấy cũng có không ít những niềm vui tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai trẻ. "Niềm vui để chúng tôi cố gắng làm việc là mỗi buổi sáng vào đọc báo thấy ca dương tính giảm xuống, bệnh nhân xuất viện nhiều hơn. Tôi cũng từng chứng kiến một cặp vợ chồng già mắc Covid-19, khi tôi đón vào viện họ rất lạc quan, tự tin chiến thắng bệnh tật, điều đó cũng tiếp thêm động lực cho chúng tôi rất nhiều. Tôi tin là TPHCM sẽ sớm kiểm soát được dịch Covid-19", Trí nói.
Ngoài việc chở bệnh nhân Covid-19, Trí còn lên Facebook kêu gọi cộng đồng, bạn bè chung tay hỗ trợ lương thực, thực phẩm cũng như các vật dụng thiết yếu cho người dân phương Nam gặp khó khăn.
Cứ vào khoảng 18h, kết thúc công việc chạy xe cấp cứu, Trí và bố lại lái xe chở đồ từ thiện đến các ngõ ngách của TPHCM tặng cho người dân. Trí còn tham gia một nhóm trên Facebook có rất đông thành viên là người ở TPHCM, ở đó ai cần gì chỉ cần nhắn địa chỉ là Trí đến tận nơi giúp đỡ.
Minh Trí tiết lộ, trong chuyến đầu ra Bắc Giang, quyết định của Trí bị gia đình ra sức ngăn cản. Có cha mẹ nào yên tâm để con lao vào vùng dịch bệnh nguy hiểm? Và dù không nói ra, chính Trí thời điểm đó cũng rất lo lắng.
"Lúc ra Bắc Giang và kể cả khi đã vào TPHCM, vì lý do sức khỏe tôi chưa được tiêm phòng Covid-19. Cách đây khoảng 2 tuần tôi mới tiêm mũi đầu tiên. Cũng rất lo lắng nhưng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ các quy tắc phòng dịch", Trí kể.
Suốt nhiều tháng liền tình nguyện đi tham gia chống dịch, công việc của Trí ở quê phải tạm dừng, nguồn thu nhập cũng chẳng còn. Thời điểm lên đường vào TPHCM, chàng trai chưa vợ con còn phải vay tạm của bạn 10 triệu đồng làm lộ phí.
Tại TPHCM, Trí và bố được sắp xếp chỗ ở, ăn uống nên chỉ chuyên tâm vào công tác hỗ trợ chống dịch. Trí nói 2 bố con sẽ tiếp tục ở lại TPHCM đến khi dịch cơ bản được kiểm soát mới về.
Với ông Đặng Tri Thông, trong gần 5 tuần qua cùng con "chiến đấu" ở TPHCM, ông thấu hiểu hơn quyết định của con trai khi lao vào tâm dịch. Ông Thông chia sẻ, ông như được tiếp thêm sức trẻ, sức khỏe từ chính cậu con trai.
Thời điểm Trí đi Bắc Giang, ông Thông ở nhà cũng tích cực tham gia chở người nhập cảnh ở Quảng Bình vào khu cách ly, nhận chở hàng cứu trợ miễn phí. Giải thích về chuyến đi vào vùng dịch của 2 bố con, ông nói đơn giản: "Khi đất nước cần thì chúng tôi sẵn sàng!".
Nói về 2 người đàn ông ở "tiền tuyến" ấy, bà Đặng Thị Tứ (vợ ông Thông, mẹ của Trí) chia sẻ, những ngày đầu lúc nào bà cũng bồn chồn, lo lắng. Nhưng giờ đây, bà đã thấy yên tâm về chồng con. Bà hạnh phúc và cảm nhận rõ con trai ngày một trưởng thành khi biết sống vì cộng đồng.
"Hồi nó đi Bắc Giang tôi cũng phản đối ghê lắm nhưng Trí cứ thuyết phục rồi nhờ cả người thân, bạn bè nói thêm vào. Thấy con quyết tâm quá nên tôi đồng ý. Đến khi nó tiếp tục vào TPHCM, lại có cả chồng đi cùng, tôi nghĩ có 2 bố con hỗ trợ nhau cũng yên tâm hơn. Ngày nào bố con cũng gọi về động viên mẹ, tôi cũng nói với 2 bố con cố gắng làm việc, ở nhà mọi việc có mẹ, không phải lo lắng gì cả!", người phụ nữ ở "hậu phương" chia sẻ.
Là người vợ, người mẹ, bà Tứ rất tự hào khi chồng con đang góp sức cùng cả nước chống dịch Covid-19. Mỗi ngày, bà đều theo dõi thông tin để nắm thêm tình hình dịch bệnh ở TPHCM cũng như cả nước. Nơi quê nhà, bà Tứ luôn tin rằng đại dịch sẽ sớm được khống chế, chồng và con trai cũng như các lực lượng đang chi viện cho TPHCM sẽ sớm trở về!