1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Trận thua” của dưa hấu - năng lực bộ máy có vấn đề (!?)

(Dân trí) - Không thể tiếp tục huy động xã hội chung tay bán dưa, bán hành. Không thể tổ chức tiêu thụ nông sản kiểu làm từ thiện, nhân đạo… Câu chuyện dưa, hành bắt đầu từ vấn đề năng lực bộ máy nhà nước. Các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội lên tiếng.

“Trận thua” của dưa hấu - năng lực bộ máy có vấn đề (!?)
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: "Các mặt hàng nông sản của Việt Nam đều đang bị sức ép, cạnh tranh rất găng".

Sáng 11/5, UB Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015.

Báo cáo khẳng định, những tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, như xuất khẩu giảm nhiều, nhập khẩu tăng cao. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Nhiều con số được thống kê như tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,14%, thấp hơn mức tăng 2,68% của cùng kỳ năm 2014.

Trong quý 1/2015 có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 2.565 doanh nghiệp giải thể, 16.175 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Bộ trưởng KH-ĐT cũng đề cập đến câu chuyện thời sự hiện nay là tình hình tiêu thụ nông sản. Hai tháng gần đây, thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi. Ông Vinh cho biết, nhiều mặt hàng nông nghiệp đều không tiêu thụ được sản phẩm, chứ không chỉ là dưa hấu như báo chí đang phản ánh.

Ông Vinh khái quát, tất cả các loại nông phẩm đều đang gặp sức ép. Riêng về tiêu thụ gạo Chính phủ cũng phải họp bàn hai lần rồi.

“Lần Tổng bí thư sang Trung Quốc cũng đã đặt thẳng vấn đề với cả Tổng bí thư và Thủ tướng Trung Quốc, nhưng Thủ tướng nước này nói rất thẳng thắn là họ không thiếu lương thực nhưng nhập gạo của Việt Nam do giá gạo của Việt Nam rẻ. Và điều kiện đang được Trung Quốc đặt ra với doanh nghiệp họ, muốn có quota nhập 10.000 tấn gạo thì phải tiêu thụ 1.000 tấn lương thực sản xuất trong nước, không thì không cho. Vì thế gạo Việt Nam đang tồn ở Lào Cai” – Bộ trưởng KH-ĐT cho biết.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Vinh, nhiều mặt hàng khác cũng bị cạnh tranh rất căng. Ông Vinh cảnh báo: “Trong cuộc chạy đua cạnh tranh này, ta phải đối mặt với những thách thức mà nếu không tháo gỡ một cách mạnh mẽ, đột phá thì kinh tế không thể đạt tăng trưởng cao được. Mục tiêu tăng 6,5% trong năm nay không hề đơn giản”.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, về nội dung này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng nông sản được mùa mất giá, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại, nếu tiếp tục tổ chức sản xuất như cách như hiện nay thì những thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê cũng như những nông sản khác còn gặp khó khăn, sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. Hơn nữa, có những mặt hàng Việt Nam thậm chí thua ngay trên sân nhà. Khi tham gia sâu vào TPP, WTO, sẽ không còn một hàng rào nào để bảo vệ được, tình trạng có thể còn… căng hơn.

Ông Hiển cảnh báo, cứ tư duy như  hiện tại – tư duy bao cấp, chưa gắn gới thị trường, thì sẽ không chỉ năm nay mà các năm sau, gạo, muối, dưa hấu, hành tím cũng sẽ vậy.

“Người nông dân không thể tiếp tục làm ra những thứ mà mình không biết sẽ bán cho ai, bán đi đâu. Tích cực mua dưa hấu đi chăng nữa thì như gia đình tôi cũng chỉ ăn được 1 quả chứ không thể ăn được quả thứ 2 nữa. Cách làm như thế không thể ổn được” – ông Hiển nói.
 
“Trận thua” của dưa hấu - năng lực bộ máy có vấn đề (!?)
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Tiêu thụ nông sản kiểu làm từ thiện, nhân đạo không thể ổn được.

Gật đầu với lập luận của ông Hiển, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi, đến dưa hấu còn phải đi bán kiểu làm từ thiện, nhân đạo như này thì hội nhập rộng rãi tới đây, tình hình sẽ thế nào?

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng đòi hỏi  “những biện pháp cụ thể nhưng không phải là vận động mỗi người, mỗi nhà mua 1-2 quả dưa”.

“Một người cửu vạn ở biên giới nói “năm nào cũng tái diễn mà chẳng thấy nhà nước có phương cách cách hữu hiệu nào”. Báo cáo Chính phủ cần đưa ra biện pháp. Chính phủ phải đưa ra được chính sách dài hơi hơn”- ông Lý đề xuất.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định câu chuyện này một lần nữa cho thấy việc thực thi chủ trương, chính sách có vấn đề. “Chúng ta đã có hẳn một nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp rồi mà bao năm năm vẫn nói lại chuyện của dưa hấu, hành tím?”, ông Quyền bức xúc.

Ông Quyền tiếp cận chuyện dưa hấu ế thừa, tồn ứ ở cửa khẩu từ khía cạnh khác. Ông kể chuyện 5 năm qua ông đi chấm thi chuyên viên cao cấp thấy rằng trình độ đi xuống, rất đáng báo động. “Mới đây tôi chấm lại một số bài thi phúc tra thì thấy rằng nếu là người có tự trọng thì họ không nên đi thi. Mà toàn giám đốc sở, vụ trưởng nhưng không hề nắm về bộ máy quản lý nhà nước. Câu chuyện dưa hấu tắc đầu ra cũng bắt nguồn từ năng lực bộ máy nhà nước. Cán bộ kém cả về hoạch định chính sách và thực thi nên những hạn chế đã được nêu rất nhiều năm qua nhưng vẫn tiếp tục hiện hữu, vẫn cứ xảy ra như vậy”- ông Quyền bức xúc

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm