1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Trận lũ ở Yên Bái thể hiện rõ sự dị thường của thời tiết cực đoan"

(Dân trí) - "Có thể nói 2 trận lũ quét vừa qua ở Sơn La và Yên Bái đã thể hiện rất rõ nét sự dị thường của thời tiết cực đoan. Chúng tôi có mặt ở hiện trường rất sớm ngay sau khi xảy ra sự việc thì thấy cảnh tượng kinh hoàng... Không rõ là nước ở đâu có thể chảy ra nhiều như vậy với mức độ ghê gớm như vậy?".

Trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào đầu tháng 8/2017 ở các tỉnh miền núi Tây Bắc đã gây hại nặng nề về người và của, đặc biệt là 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái. Các địa phương này đang rất khẩn trương khắc phục hậu quả để giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời vẫn tích cực tìm kiếm những người còn đang mất tích.

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Mù Cang Chải - Yên Bái (Ảnh: Trần Thanh).
Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Mù Cang Chải - Yên Bái (Ảnh: Trần Thanh).

Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra trong thời gian tới?

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT).

- Ông đánh giá như nào về trận mưa lũ vừa qua xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái?

- Có thể nói 2 trận lũ quét vừa qua ở Sơn La và Yên Bái đã thể hiện rất rõ nét sự dị thường của thời tiết cực đoan. Chúng tôi có mặt ở hiện trường rất sớm ngay sau khi xảy ra sự việc thì thấy cảnh tượng kinh hoàng, với lượng mưa hơn 100mm, với một lưu vực không phải là lớn và chiều dài sông suối ở đó không phải là dài lắm thì không rõ là nước ở đâu có thể chảy ra nhiều như vậy với mức độ ghê gớm như vậy?

Tôi đã nhìn thấy những đoạn đường, cây cầu bị nước lũ phá hủy, các dãy nhà bị cuốn trôi. Có những dòng suối đang chảy theo hướng này thì lại chuyển hẳn sang hướng khác, chạy qua đường và quét qua khu dân cư gây thiệt hại lớn như vậy.

Có thể nói đó là những biểu hiện hết sức cực đoan, dị thường của thiên tai, thời tiết.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây cùng với biến đổi khí hậu cùng với áp lực của sự phát triển thì thiên tai càng trở lên khó lường. Nhưng cũng có thể nói, thiệt hại cũng giảm đáng kể do chúng ta tích cực ứng phó với thiên tai ở trên biển. Và cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cả hệ thống chính trị vào cuộc chúng ta đã làm rất nhiều điều và có chuyển biến tích cực.

Riêng thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi thì vẫn còn là vấn đề rất nan giải. Nguyên nhân của sự việc này cũng khó, những cái nó khác biệt so với những thiên tai khác là do miền núi của chúng ta thường rất dốc, mưa lại kéo dài, địa chất phức tạp, nhiều nơi bở rời. Cho nên khi mưa xuống thì có hiện tượng là lũ đến rất nhanh, bất ngờ, rồi tập tục người dân sinh sống thường hay bám theo các sông, suối. Đây chính là nguyên nhân quan trọng gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản.

- Vậy giải pháp để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới là như nào, thưa ông?

- Chúng ta phải rà soát lại kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai để cập nhật, bổ sung cho phù hợp. Rồi đánh giá chỗ ở của người dân, làm sao phải an toàn. Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng đã chỉ đạo khẩn trương đánh giá nơi ở an toàn cho người dân, để từ đó có giải pháp di dời, tái định cư về lâu dài hoặc sơ tán khi mà có tình huống xảy ra.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta phải nhận diện, khoanh vùng được những nơi mà thường xuyên chịu tác động của thiên tai để từ đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa mới hiệu quả, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nói về giải pháp ứng phó với thiên tai một cách bền vững hơn trong thời gian tới, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, cần khoanh vùng những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai để từ đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa và sắp xếp lại dân cư đến khu vực an toàn hơn.

- Tôi đồng ý với ý kiến này, có nhiều việc phải làm. Nhưng theo tôi trước hết cần tăng cường tuyên truyền, nhận thức cho người dân để người dân hiểu về thiên tai thường xảy ra. Rồi trang bị kỹ năng phòng, tránh cho người dân. Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai. Kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm, nếu không làm tốt sẽ rất nguy hiểm vì lũ ống, lũ quét về rất nhanh. Về lâu dài cần đẩy nhanh chương trình tái định cư gắn với việc ổn định sinh kế cho người dân.

Nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về PCTT, cũng như cơ quan điều phối liên ngành, ban chỉ huy các cấp. Tăng cường năng lực dân sự trong ứng cứu giờ đầu tại cơ sở, khi mà có thiên tai chỉ có lực lượng tại chỗ mới đáp ứng được, còn khi lực lượng chuyên nghiệp đến sẽ có độ trễ và lúc đó giao thông đã có thể bị chia cắt.

- Liệu thời gian tới chúng ta có thể cảnh báo được sớm hơn nữa về rủi ro thiên tai cho người dân?

- Công tác cảnh báo sớm là hết sức quan trọng, nếu cảnh báo sớm được sẽ tăng được tính chủ động. Hoạt động cảnh báo sớm kết hợp rất nhiều hoạt động, công tác dự báo của chúng ta phải được nâng lên, phải được cải thiện. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước bên khí tượng thủy văn thì chúng ta cần tăng cường hệ thống đo mưa chuyên dụng để khu vực có nguy cơ đó được bổ sung, cập nhật.

Cái thứ hai nữa chúng ta sớm hoàn thiện cung cấp và hướng dẫn về bản đồ lũ quét, sạt lở đất và phải có cập nhật thường xuyên cho sát với điều kiện thực tế.

Quy hoạch dân cư phải hết sức quan tâm, quy hoạch phải kết hợp lồng ghép với nội dung phòng chống thiên tai. Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, sắp xếp lại dân cư, sinh kế bền vững cho người dân để tránh trường hợp chuyển người dân đi rồi sinh kế không phù hợp lại quay về chỗ cũ, chỗ nguy hiểm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Tái định cư là câu chuyện khó khăn nhất trong việc ứng phó rủi ro với thiên tai. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1776 về di dân vùng thiên tai, vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, thời gian tới chúng ta cần quan tâm hơn nữa, tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Việc chọn nơi ở cho người dân, tôi cho rằng chính quyền địa phương phải có trách nhiệm.

Nhưng nơi ở phải gắn với sinh kế của người dân nữa. Bộ NN&PTNT cũng sẽ cùng với các bộ ngành khác, địa phương bàn bạc thêm về vấn đề tái định cư cho người dân vùng thiên tai.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)