1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Trạm nghỉ dọc đường sẽ thay thế “cơm tù”?

Ghé trạm nghỉ, lái xe được nghỉ ngơi thư giãn, hành khách có thể ăn uống, giải khát, mua bán hàng lưu niệm... Những trạm nghỉ đầu tiên theo mô hình Nhật Bản đang được Cục Đường bộ phối hợp với Nhật Bản thí điểm tại Ninh Bình, Hòa Bình và Bắc Giang.

Thỏa mãn nhu cầu của khách

Ông Kobayashi Kenichi, phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho hay mỗi trạm nghỉ có diện tích 5.000-7.000m2, kinh phí xây dựng ba trạm khoảng 800.000 USD. Mỗi trạm có nơi đỗ xe 2.500m2, có hệ thống tiêu nước đảm bảo không ứ đọng, đường xe ra vào riêng biệt, văn phòng làm việc bình quân 4,5m2/người, có nhà nghỉ, máy điện thoại công cộng, trạm cấp xăng dầu...

Trạm tách khỏi đường giao thông, thuận lợi cho xe ra vào, gần thị trấn, thị tứ, khu du lịch. Giá hàng hóa dịch vụ phục vụ lái xe và hành khách sẽ được đăng ký với cơ quan thuế địa phương và công bố công khai.

Trạm niêm yết rõ qui chế phục vụ để mọi người cùng thực hiện. Lái xe có trách nhiệm đưa xe vào các trạm nghỉ và các điểm dừng đỗ xe trên dọc tuyến theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt, dự kiến không được lái liên tục quá 4 giờ.

Theo ông Kobayashi Kenichi, mô hình trạm nghỉ dọc đường ở Nhật Bản rất thành công. Đó không chỉ là nơi nghỉ ngơi của hành khách mà còn có tác dụng phát triển kinh tế vùng. Một số cơ sở có thể sản xuất chế biến đặc sản của địa phương tại chỗ để thu hút khách mua.

Vốn từ dân

Theo khảo sát của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, tại VN điểm nghỉ ngơi và dịch vụ trên các quốc lộ chưa được quan tâm đầu tư và chưa có qui hoạch cụ thể.

Các điểm dịch vụ trên tuyến phát triển tự phát do người dân dọc hai bên đường xây dựng, không có chỗ đỗ xe riêng, dịch vụ đơn chiếc chủ yếu là qui mô nhỏ gây mất an toàn giao thông, giá cả tùy tiện. Tệ nạn “cơm tù”, tình trạng cung cấp xăng dầu và các dịch vụ khác không đảm bảo chất lượng, số lượng diễn ra thường xuyên...

Theo tính toán của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, nếu cự ly giữa các trạm nghỉ ngơi và dịch vụ nhỏ khoảng 20km, các trạm nghỉ ngơi và dịch vụ lớn khoảng 60km, nhu cầu vốn đầu tư các trạm nghỉ dọc đường trên các quốc lộ chính từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc (từ nay đến năm 2020) vào khoảng 952-1.683 tỉ đồng với quĩ đất khoảng 630ha.

Để tạo vốn đầu tư, Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư dưới hình thức như xây dựng - khai thác - chuyển giao, xây dựng - khai thác - sở hữu và xây dựng - chuyển giao.

Nhà nước sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng một số công trình cơ bản như sân bãi đỗ xe, đường xe ra vào, nhà làm việc, nhà vệ sinh, bưu điện, trạm công an. Các thành phần kinh tế khác xây dựng, kinh doanh các dịch vụ cửa hàng xăng dầu, dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật, cửa hàng ăn uống giải khát...

Được biết trong vòng 10 năm, cả nước Nhật đã có 845 trạm nghỉ dọc đường. Trước mắt, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Cục Đường bộ triển khai thí điểm. Về lâu dài, ngành giao thông vận tải sẽ chọn các đơn vị để triển khai nhân rộng vào năm sau.

Theo Anh Thư
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm