Yên Bái:
Trạm cảnh báo lũ chưa một lần… hú còi
(Dân trí) - Sau đợt lũ quét, lũ ống kinh hoàng năm 2005 ở Ba Khe (Cát Thịnh, Văn Chấn), các trạm cảnh báo lũ trị giá hàng trăm triệu đồng đã được đầu tư cho tỉnh Yên Bái. Nhưng đợt lũ vừa qua, những trạm cảnh báo này vẫn chưa thể hú còi báo động.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm gì?
Sau Lào Cai, Yên Bái là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua. Báo cáo nhanh của tỉnh này tính đến ngày 14/8, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra là 36 người chết, 4 người mất tích; hơn 300 nhà dân bị sập, trôi mất hoàn toàn; số nhà bị hư hỏng trên 1.000 nhà; hơn 4.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng, vùi lấp và mất trắng; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 400 tỉ đồng.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Văn phòng thường trực phòng chống lụt bão của tỉnh, cho biết: Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 290 trạm đo mưa đơn giản để cảnh báo lũ, được phủ hầu hết các thôn, xã ở tất cả các huyện. Trong đó có 200 trạm được tỉnh Yên Bái đầu tư khoảng 250 triệu đồng, 90 trạm còn lại do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Cuối năm 2007, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã lắp đặt cho tỉnh này 5 trạm cảnh báo lũ tự động tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Theo ông Hưng, khi có mưa lớn ở mức báo động 1 là 90mm, báo động 2 là 120mm và báo động 3 là 150mm thì các trạm này sẽ tự động hú cói báo động. Tuy nhiên trên thực tế, “đến nay cả 5 trạm này vẫn chưa một lần hú còi vì nó vẫn đang... thử nghiệm”, ông Hưng thừa nhận.
Còn 290 trạm đo mưa đơn giản khi được giao xuống cho các Ban Phòng chống lụt bão của các xã, những người tiếp quản hệ thống này (thường là trưởng, phó ban hoặc chủ tịch, phó chủ tịch xã) phải cập nhật thường xuyên đo lượng mưa theo tần suất 1h một lần và đưa ra cảnh báo cho người dân biết.
Nhưng không hiểu vì sao, hầu hết người dân ở một số xã bị lũ quét đi qua đều khẳng định với phóng viên rằng lũ đến quá nhanh, chỉ kịp bỏ của chạy lấy người chứ trước đó không nghe thấy cán bộ xã nào cảnh báo về lũ quét.
Chị Lương Thị Anh (thôn 1, xã Văn Tiến, Trấn Yên) bị sập nhà trong cơn lũ quét. Chị cùng 6 đứa con may mắn thoát nạn do đã cẩn thận sang nhà chị gái tá túc từ sáng sớm. Khi về nhà mới thấy nhà đã sập hoàn toàn. Chị Anh cho biết, không thấy ai trong xã nói đến trận lũ quét này.
Chỉ báo tin lũ cho nhà có điện thoại?
Chuyên viên văn phòng PCLB (trái), nói về thiết bị đo mưa đơn giản đặt tại Chi cục Thủy lợi. |
Theo ông Phạm Quốc Hưng, để xảy ra thiệt hại do lũ quét như vừa qua trước tiên phải là yếu tố khách quan, địa hình đồi núi dốc, người dân ở phân tán nên loa truyền thanh của xã không đến được với người dân. Còn về nguyên nhân chủ quan, do người dân sống trong thôn bản còn nhiều hạn chế về kiến thức phòng chống thiên tai.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi đưa hệ thống đo mưa thông thường xuống cho ban phòng chống lụt bão của các xã, những người gắn trách nhiệm với công việc này đều đã được tỉnh Yên Bái cho đi tập huấn và trang bị những đồ dùng cần thiết phục vụ cho việc thông báo thiên tai cho dân, như đèn pin chiếu sáng, áo mưa, mũ cối...
Ngoài ra trước đây họ còn được hưởng một khoản trợ cấp nhất định do người dân đóng góp, giờ thì không thu trực tiếp của dân mà lấy từ ngân sách nhà nước.
Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch xã Văn Tiến, cho rằng: “Trong những ngày lũ vừa qua, chúng tôi thường xuyên tiến hành đo lượng mưa để thông báo đến người dân về tình hình lũ”. Nhưng thực tế là chỉ những gia đình có điện thoại cố định là được thông báo, đồng thời “được” nhờ thông báo hộ cho những người khác biết. Sau đó họ có báo cho nhau hay không thì ông Tiến không biết.
Thêm một vấn đề nữa: Những hệ thống đo mưa đơn giản này được đặt ngay tại trụ sở các UBND xã, khi có mưa to, những người trực ở đây sẽ phải mang hệ thống đo mưa ra đo lượng mưa xem ở mức độ nào thì đưa ra thông tin cảnh báo cho người dân. Vấn đề là khi mưa to, có ai ra đo mưa không thì… chịu.
Điều mà người dân Yên Bái đau đáu mong chờ bấy lâu nay vẫn là sự tận tụy của những người có trách nhiệm, nơi lũ có thể sẽ tiếp tục tràn qua.
Tuấn Hợp - Quảng Dân