Gặp người lái tàu “cứu” hơn 1.000 sinh mạng trong lũ dữ
(Dân trí) - Chắc giờ này, còn nhiều người và ngay cả những đồng nghiệp của anh Tâm và Long cũng chẳng thể hình dung: một tích tắc quyết định lùi tàu đó đã cứu thoát cả ngàn số phận, gắn với chiếc đầu tàu mang ký hiệu: Đ12E-626.
“Hành trình dữ dội”
Sáng 14/8, tức 2 ngày sau khi chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai đầu tiên được thông xình xịch chạy qua những khúc cua còn hằn nguyên dấu vết cơn cuồng nộ của mưa lũ, chúng tôi mới gặp được anh Tâm và anh Long. Hôm nay và ít ngày nữa, họ trở thành “những người ở lại”. Họ không biết rằng, có bao người đã nghĩ về họ, lòng đầy biết ơn.
Ngày 14/8, lái tàu Nguyễn Ngọc Tâm và phụ lái Hoàng Hữu Long lặng lẽ đứng bên chiếc đầu máy mang số hiệu Đ12E-626 mấy ngày trước còn chìm trong cơn lũ dữ, nay lấm lem bùn đất trong xưởng sữa chữa của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội.
Anh Tâm kể lại: “Khi đó khoảng chừng 2 giờ sáng, đoàn tàu LC 1 đang đi đến khúc cua Km 45+800, ánh đèn pha của đoàn tàu hắt ngược lên ánh sáng loang loáng mặt nước đang cuồn cuộn chảy. Lúc này, bên phải tôi vọng những tiếng rít, tiếng gầm như có hàng trăm ngàn tấn đá hộc từ vách đá cùng sụp xuống. Biết gặp phải lũ dữ, tôi và phụ lái phanh gấp đoàn tàu. Tôi nhấc máy hội ý với trưởng tàu Vũ Ngọc Tú và cho tàu lùi.
Được chừng 200m, chỉ vừa kịp nép toa hành khách vào khe núi cũng là lúc mưa lũ ào ào đổ tới, cuốn phăng đi những viên đá xanh rải quanh đường ray, cuộn tròn lên bánh tàu. Và chỉ trong 1 phần 10 của giây, cơn lũ đá liên tục xối xả, cắt rời 11 toa hành khách với phần đầu tàu - lúc này đang rơi vào tâm dòng nước lũ với khoảng cách chừng 7 mét. Khi đó là 2 giờ 2 phút. Đầu tàu nặng 65 tấn nhanh chóng bị lật ngang ngay sau đó”.
Bản tình ca về tình người
Câu chuyện của lái tàu Nguyễn Ngọc Tâm và phụ lái Hoàng Hữu Long trở nên đặc biệt sôi nổi khi nhắc đến hành trình chống chọi giữa nước lũ suốt một đêm trắng mà họ cùng 1.203 hành khách trải qua.
Phụ lái Hoàng Hữu Long kể lại: “Bầu trời đen kịt, mưa xối xả, sấm chớp tưởng như giật tung cả bầu trời. Khi tàu lật, anh Tâm bị thương khá nặng ở cánh tay, máu ra nhiều. Tôi cùng anh Tâm trèo qua cửa sổ buồng lái phụ để leo lên nóc tàu, tiến hành sơ cứu tại chỗ. Lúc này, nước lũ đã dâng lên rất cao và xối chảy mạnh. Từ phía toa hành khách có nhiều ánh đèn pin rọi về phía chúng tôi nhưng yếu ớt, chúng tôi biết có rất nhiều tiếng gọi của hành khách, chúng tôi cũng trả lời đến khản đặc cổ nhưng dường như tất cả đều chìm đi trong tiếng gầm gào của mưa lũ.
Đến khoảng hơn 3 giờ sáng, nhờ ánh chớp và chút ánh sáng le lói, hành khách trên tàu đã tìm mọi cách để đưa chúng tôi trở về toa xe khách. Họ tháo võng thậm chí dỡ cả kiện hàng để chập thành những đoạn dây khá chắc chắn quăng về phía chúng tôi. Tôi nhớ rằng có hai sợi. Nhưng tất cả đành vô vọng bởi dòng nước chảy xiết và dây đã không thể chạm tới đầu toa xe”.
Ông Phạm Văn Trường nhớ lại: “Khi nhận được điện báo về sự cố, ngay trong đêm lãnh đạo Tổng công ty đường sắt đã thành lập tổ cứu trợ đặc biệt, điều một chiếc cẩu chuyên dụng nặng 100 tấn từ Đà Nẵng ra và một đoàn công tác từ Hà Nội gấp rút lên đường.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại hiện trường, lúc này nước lũ vẫn còn gào thét. Những hành khách, nhân viên trên tàu, lực lượng cứu hộ của quân đội và hàng trăm người dân tại khu vực đoàn tàu gặp nạn đã cùng san sẻ với nhau gian khó, hiểm nguy. Quyết định lùi tàu của tổ lái đưa ra chỉ trong một tích tắc nhưng đã bảo vệ an toàn cho hàng ngàn hành khách. Chỉ cần chậm một giây lát thôi, thiên tai đã có thể cướp đi biết bao sinh mệnh”.
Phúc Hưng