1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trà Vinh: Nhà tình thương bị rao bán

Qua phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, (tỉnh Trà Vinh), nơi có nhiều hộ dân bán nhà tình thương.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Thanh tra nhân dân xã Phong Thạnh, đến thời điểm này, đã phát hiện 9 căn nhà tình thương (thuộc Chương trình 134 và 167) được người dân đem bán. Được biết, trung bình mỗi căn nhà tình thương được xây với giá 30 triệu đồng nhưng khi bán "xác” nhà, người dân chỉ bán được với giá từ 3 đến 7 triệu đồng - một mức giá vô cùng rẻ mạt.
 
Tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, (tỉnh Trà Vinh) có tới 9 hộ bán nhà tình thương. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng vì quá khó khăn nên bà con phải bán "xác” nhà với những cái giá rẻ mạt.
 
Căn nhà tình thương của con trai bà Ra giờ chỉ là một khoảng đất trống
Căn nhà tình thương của con trai bà Ra giờ chỉ là một khoảng đất trống

Cực chẳng đã...

Qua phản ánh của quần chúng nhân dân, chúng tôi tìm về xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), nơi có nhiều hộ dân bán nhà tình thương. Theo báo cáo mới nhất của Ban Thanh tra nhân dân xã Phong Thạnh, đến thời điểm này, đã phát hiện 9 căn nhà tình thương (thuộc Chương trình 134 và 167) được người dân đem bán. Những hộ dân bán nhà chủ yếu là người dân tộc Khmer. Được biết, trung bình mỗi căn nhà tình thương được xây với giá 30 triệu đồng nhưng khi bán "xác” nhà, người dân chỉ bán được với giá từ 3 đến 7 triệu đồng, tùy theo độ mới, cũ.

Bà Thạch Thị Ra, ngụ tại ấp 2 cho biết, con trai bà là Thạch Quết được cấp nhà tình thương năm 2009 (Chương trình 167), do mâu thuẫn tại địa phương nên anh Quết đã hành hung người khác phải đi tù. Ở nhà, phần nuôi 2 con nhỏ của anh Quết, phần phải lo tiền hỗ trợ cho người bị anh Quết hành hung, kinh tế lại quá khó khăn, không có đất làm ruộng lại không có nghề nên bà Ra đã phải bán "xác” nhà để trang trải cuộc sống.

Bà Ra cho biết: "Tôi không biết nhà tình thương là không được bán. Lâu nay, tiền nuôi 2 đứa nhỏ đã không có. Từ khi bố bọn nhỏ đi tù, vợ nó thấy thế cũng bỏ nhà đi luôn. Hai vợ chồng già phải làm thêm nuôi 2 đứa nhỏ, khổ lắm. Bí quá tôi phải bán nhà. Không biết sau khi ở tù về, thằng con tôi sẽ ở đâu đây?”. Theo bà Ra, căn nhà của anh Quết được xây dựng với số tiền gần 17 triệu đồng, trong đó 8 triệu đồng là vay của ngân hàng. Nhưng khi bán nhà, người mua chỉ trả...3 triệu đồng cho một đống nguyên vật liệu. Rồi đây, không biết tiền của ngân hàng đến chừng nào bà Ra mới trả nổi?

Qua tiếp xúc với người dân ở đây thì những người được cấp nhà đều cho rằng chính quyền không cấm bán nhà tình thương! Nhiều người dân còn cho biết, những ngôi nhà được xã cấp đều không có quyết định cấp nhà và không thấy cán bộ nói là không được bán. Trong khi đó, một số hộ dân mua lại nhà tình thương cũng cho biết những ngôi nhà này không đề biển là nhà tình thương nên không biết, thấy rẻ thì mua… Hầu hết các hộ bán nhà đều do đời sống kinh tế khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyển, ngụ tại ấp 2 được cấp nhà tình thương (thuộc Chương trình 134). Do đời sống gặp nhiều khó khăn, đứa con gái là Thạch Thị Thanh Hà bị bệnh hiểm nghèo nên bà đành bán căn nhà với giá 3,2 triệu đồng để lấy tiền chữa trị cho con. "May mà nay nó khỏi bệnh! Thời gian qua, mẹ con tôi cất tạm nhà lá trên mảnh đất cũ để ở tạm, kinh tế vẫn bấp bênh chưa biết ngày sau sẽ thế nào...”, bà Tuyển ngậm ngùi.

Chính quyền "bó tay”?

Lặn lội xuống một số khu dân cư, chúng tôi nhận thấy, số nhà tình thương được bán nằm rải rác từ ấp 1 đến ấp 3 của xã Phong Thạnh. Ở ấp 2, có khoảng 900 hộ dân thì có tới 400 hộ nghèo và khoảng 100 hộ cận nghèo. Ông Đoàn Minh Triều, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Phong Thạnh cho biết: Năm 2008, chúng tôi có phát hiện trường hợp một hộ bán nhà tình thương và có báo với xã, nhưng xã chậm giải quyết và cũng không có hướng chỉ đạo, nên một số người dân khác thấy thế làm theo. Cao trào bán nhiều nhất khoảng thời gian từ năm 2011 – 2012…

Hỏi nguyên nhân vì sao bà con bán nhà ồ ạt, ông Triều phân trần, do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân nhận thức về vấn đề này còn kém, ỉ lại, trông chờ vào Nhà nước sẽ "tiếp tục hỗ trợ”. Nhưng để xảy ra tình trạng bán nhà này, trách nhiệm trước tiên thuộc về các trưởng ấp. "Cụ thể ở ấp 2, trước đây, trưởng ấp làm việc không hiệu quả, thiếu công bằng mất uy tín đối với quần chúng nhân dân nên đã bị cách chức. Tôi mong rằng đó là bài học để các ấp nhìn lại mình, quan tâm hơn đến đời sống của người dân. Và dù ở cấp nào đi nữa nhưng khi xã đã để xảy ra tình trạng này, đó hoàn toàn là thiếu sót của chúng tôi…”, ông Triều khẳng định.

Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian qua, xã Phong Thạnh đã bình xét và cấp nhà tình thương (Chương trình 167) cho chị Hồ Thị Ngọc Loan ở ấp 1, nhưng đến khi có nhà thì chị Loan đã thoát nghèo và khá lên, không hiểu sao xã vẫn để cho chị Loan nhận và chị Loan đã cho em gái mình là Hồ Thị Phương Kiều căn nhà (chị Kiều là hộ khá giả), trong khi nhiều hộ nghèo khác chưa có nhà để ở.

Đem chuyện dân bán nhà tình thương trao đổi với ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư huyện ủy Cầu Kè, ông Tâm cho biết: Sau khi nắm được tình hình, chúng tôi đã đề nghị các xã rà soát kỹ lại những trường hợp trên, yêu cầu các xã không được để xảy ra trường hợp bán nhà tình thương, đồng thời vận động và tuyên truyền người dân không được bán nhà tình thương. Đối với những trường hợp đã mua nhà tình thương, chúng tôi chỉ đạo cho các xã lập biên bản thu hồi tài sản của những người mua. "Người mà đi mua lại nhà tình thương với những giá rẻ mạt như vậy là những người cơ hội…”, ông Tâm khẳng định.
 
Theo Quốc Trung
Đại Đoàn kết