1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Trả BHXH một lần không thể gây vỡ quỹ”

(Dân trí) - “Một năm, số tiền đóng BHXH cho người lao động theo luật là 2,6 tháng lương. Sau 10 năm, số tiền này là 26 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần sau 10 năm làm việc, người lao động chỉ nhận mức 20 tháng lương. Vậy không thể có chuyện “vỡ” quỹ vì lĩnh BHXH một lần”.

Đa số lao động ngành da giày là nữ giới và tuổi nghề từ 5-15 năm
Đa số lao động ngành da giày là nữ giới và tuổi nghề từ 5-15 năm

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 8/4 về thông tin cho rằng, việc sửa Điều 60 luật BHXH năm 2014 theo hướng tăng thêm cơ hội để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sẽ là nguyên nhân gây mất cân đối Quỹ BHXH.

Câu chuyện bắt nguồn từ sự chưa đồng tình của công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TPHCM) hồi cuối tháng 3 vừa qua về nội dung Điều 60 luật BHXH năm 2014. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND TPHCM, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội việc sửa nội dung Điều 60 Luật BHXH năm 2014 theo hướng người lao động chưa đủ tuổi hưu có thể được hưởng BHXH một lần.

Khẳng định quan điểm cá nhân từ những phân tích cụ thể, ông Tùng cho biết: “Hàng tháng, số tiền đóng BHXH cho người lao động là 22% mức lương, tức là mỗi năm họ đóng 2,6 tháng lương. Giả sử người lao động tham gia BHXH trong 10 năm, số tiền sẽ là 26 tháng lương.

Ông
Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Nếu người lao động đó lĩnh trợ cấp BHXH một lần sau thời gian 10 năm như trên, theo quy định, họ được lĩnh được mỗi năm 2 tháng lương; số tiền lĩnh sau 10 năm làm việc là 20 tháng lương. Trong khi đó, thực tế họ đã đóng tới 26 tháng lương. Như vậy, số tiền lấy ra thấp hơn số tiền đóng vào nên không thể gây vỡ quỹ BHXH”.

Theo quy định, 22% tiền đóng BHXH hàng tháng cho người lao động lấy từ 2 nguồn: Người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%.

Thực tế cho thấy, đa số lao động phản đối Điều 60 Luật BHXH năm 2014 làm việc trong lĩnh vực da, giày. Trong khi đó, nhiều lao động làm việc ở các ngành nghề khác lại mong muốn được đóng BHXH cho tới khi nghỉ hưu?

Trả lời băn khoăn này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN lý giải, người lao động đang làm việc trong lĩnh vực da, giày ít có điều kiện làm việc đúng nghề tới khi đủ tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là những lao động nữ, vì sức khỏe, đặc thù của nghề.

“Đa số lao động nữ làm việc trong lĩnh vực này chỉ từ 18-30 tuổi. Rất ít lao động nữ làm ở ngành này tới 55 tuổi để lĩnh lương hưu. Do đó, chúng ta nên thông cảm và chia sẻ người lao động ở lĩnh vực này”, ông Tùng nói.

Ông Đặng Ngọc Tùng cũng thừa nhận thiệt thòi của người lao động khi nhận BHXH một lần vì trong tương lai, họ sẽ không được cơ hội hưởng chế độ lương hưu.

“Tôi đã phân tích cho người lao động về lợi ích lâu dài nếu tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, thực tế có những người lao động sau 1 năm nghỉ việc tại cơ quan không thể tìm được việc làm. Họ buộc phải về quê để chuyển hướng sang chăn nuôi hoặc mưu sinh khác. Họ cần một khoản tiền để tái đầu tư. Đó là nguyện vọng chính đáng và cần tôn trọng họ” - ông Đặng Ngọc Tùng cho biết.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, việc kiến nghị sửa Điều 60 Luật BHXH năm 2014 có thể sẽ theo hướng tạo cho người lao động có lựa chọn hưởng BHXH một lần sau 1 thời gian không thành công khi đi tìm việc mới.

Lựa chọn thứ 2, người lao động có thể tiếp tục bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đến tuổi nghỉ hưu.

Từ sự việc xảy ra tại Công ty PouYuen, ông Tùng cho rằng cơ quan xây dựng luật muốn luật có tác dụng tích cực và đi vào cuộc sống cần phải cẩn trọng khi bàn thảo trong từng điều khoản cụ thể. Theo ông, “nên để các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan phản biện và lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau của nhiều đối tượng chịu sự chi phối của chính sách này. Đồng thời phân tích thật kỹ để trên cơ sở đó mới thông qua”.

Hoàng Mạnh