1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai

(Dân trí) - UBND TPHCM đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai toàn diện cho TPHCM.

Sau vị chìm tàu làm chết 9 người ở bờ biển Cần Giờ trong tháng 8/2013, các chuyên gia đều khẳng định có thể dễ dàng xác định được vị trí tàu chìm dựa trên thông tin cuộc gọi bằng điện thoại di động của nạn nhân. Tuy nhiên, các lực lượng cứu hộ lại không làm theo cách này mà lúng túng tìm kiếm tàu gặp nạn trong mưa bão, dẫn đến kết quả là cứu hộ trễ và 9 người đã chết. Con số thương vong có lẽ sẽ giảm đi rất nhiều nếu vị trí tàu chìm được xác định sớm.

Tàu H29-BP bị chìm tại bờ biển Cần Giờ trong tháng 8/2013 (ảnh: Đình Thảo)
Tàu H29-BP bị chìm tại bờ biển Cần Giờ trong tháng 8/2013 (ảnh: Đình Thảo)

Để khắc phục thiếu sót này, UBND TP đã chỉ đạo Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với các đơn vị có liên quan để thiết lập hệ thống xác định vị trí các cuộc gọi báo cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời. Ngoài ra, Sở này cũng được giao nghiên cứu và đề xuất các biện pháp thông báo đến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng thông tin về thiên tai, tai nạn qua tin nhắn, qua mạng Internet.

Sở TT-TT và Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP còn có nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết nối các tổng đài cứu nạn khẩn cấp như 113, 114, 115 để tiếp nhận các tin báo về thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn TP; tổ chức hệ thống chuyển tin báo từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn đến các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm qua thiết bị fax, điện thoại, tin nhắn.

Trước đó, UBND TP cũng đã ban hành chế độ, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố. Theo quy định này, các cá nhân, gia đình được hỗ trợ là những đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra như: bão, áp thấp nhiệt đới, xả lũ, mưa lớn, mưa đá, triều cường, giông sét, lốc xoáy, vòi rồng, sạt lở bờ sông, kênh, rạch, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng, động đất, sóng thần…

Theo đó, đối với các hộ gia đình mất cả nhà và đất ở sẽ được hỗ trợ di dời từ 20 – 25 triệu đồng/hộ; Các hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng có mức thiệt hại từ 30% trở lên được hỗ trợ khắc phục thiên tai từ 3 – 20 triệu đồng/hộ; Hộ có người chết, mất tích được hỗ trợ 5 triệu đồng/người, bị thương nặng được hỗ trợ 3 triệu đồng/người…

Các hộ trên còn được hỗ trợ gạo cứu đói với mức 15kg gạo/người/tháng, trong thời gian từ 1 - 3 tháng. Trường hợp hộ gia đình mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất sẽ được hỗ trợ 30 kg gạo/người/tháng, trong thời gian 12 tháng. Các chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng của thiên tai; Chính sách cơ cấu lại thời hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ và cho vay mới… sẽ được hưởng theo quy định của chung của nhà nước.

Tùng Nguyên