1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM và Vũng Tàu mưa to, gió lớn, sóng biển mạnh

(Dân trí) - Sau khi vào bờ, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng một số địa bàn vẫn còn mưa gió rất to. Tại TP HCM nhiều người đi xe máy phải dừng chờ bớt gió để đi tiếp, trong khi tại TP Vũng Tàu sóng biển đánh mạnh tại các khu vực bờ biển.

Tại TP Vũng Tàu lúc 14h chiều 25/11, dù mưa gió đã giảm nhưng thỉnh thoảng vẫn có những trận gió to, sóng biển vẫn đánh mạnh vào bờ, chưa có dấu hiệu suy giảm.

Sóng biển vẫn mạnh chưa có dấu hiệu giảm
Sóng biển vẫn mạnh chưa có dấu hiệu giảm

Sóng biển vẫn đánh mạnh vào bờ biển Vũng Tàu

Tại khu vực trung tâm TPHCM, từ lúc 13h30 đã có mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến các phương tiện di chuyển trên đường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xe máy. Rất nhiều người đi bộ ở khu vực trung tâm phải nép vào lề đường sau từng cơn gió rít mạnh. Một số người đi xe máy cũng phải dừng lại chờ bớt gió mới đi tiếp.

TPHCM và Vũng Tàu mưa to, gió lớn, sóng biển mạnh - 2
TPHCM và Vũng Tàu mưa to, gió lớn, sóng biển mạnh - 3
Khu vực trung tâm TPHCM bắt đầu có mưa to, gió lớn
Khu vực trung tâm TPHCM bắt đầu có mưa to, gió lớn

Tại thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM), mưa gió bắt đầu lớn từ 13h đến nay (14h30) vẫn chưa dứt.

Gió lớn tại thị trấn Cần Thạnh

Tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), mưa to gió lớn trong khoảng thời gian từ 12h30 cho đến 13h30 đã khiến nhiều cây xanh ngã đổ.

TPHCM và Vũng Tàu mưa to, gió lớn, sóng biển mạnh - 5
TPHCM và Vũng Tàu mưa to, gió lớn, sóng biển mạnh - 6
Nhiều cây xanh ngã đổ ở Thạnh An
Nhiều cây xanh ngã đổ ở Thạnh An

Cây xanh ngã đổ ở xã đảo Thạnh An

Tại bến tàu xã đảo, nhiều người dân bất chấp mưa gió lao ra để tát nước khỏi ghe tàu đang neo đậu tại đây. Hệ thống loa phát thanh liên tục kêu gọi người dân không ra khỏi nhà nhưng trước tình hình mưa lớn kéo dài, người dân vẫn bất chấp, lao ra tát nước cứu tàu thuyền. Bởi khi mực nước càng dâng cao thì tàu thuyền càng bị đe doạ, mỗi lúc nhiều người dân hơn ra cứu ghe tàu.

Tại Bình Thuận lúc 14h, trời đã tạnh mưa và ít gió, khá yên bình.

Tương tự tại Ninh Thuận, trời đã tạnh hẳn ở nhiều nơi. Tuy nhiên, điều người dân lo ngại là nước sông đang lên cao, nhiều khu vực đã bị ngập sâu vì nước dâng, 1 số nơi còn bị sạt lở như tuyến đường Bình Tiên- Vĩnh Hy...

Tuyến đường Bình Tiên- Vĩnh Hy bị sạt lở
Tuyến đường Bình Tiên- Vĩnh Hy bị sạt lở
Nước ngập vào nhà dân
Nước ngập vào nhà dân

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NHCMF).
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NHCMF).

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành vùng áp thấp.

Đến 1h ngày 26/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo số liệu do Văn phòng Tổng cục phòng, chống thiên (Bộ NN&PTNT) cung cấp: Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, tình hình thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra tính đến 12h ngày 25/11/2018, như sau: Nhà bị sập đổ hư hỏng: 8 nhà (Bình Thuận); Nhà bị ngập: 2 nhà (Ninh Thuận); Diện tích lúa bị ngập: 463 ha (Ninh Thuận); Kè bị sạt lở: 2580m (Ninh Thuận: 40m; Bình Thuận: 2.540m); Thiệt hại về giao thông: 2 vị trí đường sắt qua huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bị sạt lở; Lồng bè nuôi trồng thủy sản: 1 lồng bè nuôi các tại Bình Thuận bị chìm; Tầu thuyền bị chìm và hư hỏng: 36 thuyền (Bình Thuận: 35 thuyền; Bình Định: 1 thuyền).

Thành phố Hồ Chí Minh: Chiều và đêm nay (25/11) có mưa to đến rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy; nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Biển động. Sóng trên biển cao từ 2-4m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.

Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên có mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

Nhóm phóng viên

Dòng sự kiện: Cơn bão số 9