TPHCM tìm giải pháp tháo gỡ việc quá tải F0
(Dân trí) - TPHCM đã kéo giảm sự quá tải F0 bằng cách thiết lập mô hình điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo sơ đồ tháp 4 tầng, cùng với sự tiếp nhận sự hỗ trợ nhân lực ngành y cả nước sẽ nâng công suất điều trị.
Chiều 16/7, UBND TPHCM cùng các sở, ngành tổ chức buổi họp báo cung cấp tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong ngày thứ 8, TPHCM áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thời gian qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh, kéo theo trường hợp tử vong do dịch bệnh có chiều hướng gia tăng. Hầu hết ca tử vong ghi nhận tại TPHCM thời gian qua là người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tử vong do dịch Covid-19 đã xảy ra ở nhóm người nhỏ tuổi hơn.
Tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 tại TPHCM là 0,75%
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, song song với chiến dịch tầm soát diện rộng toàn thành phố, số ca F0 và người tiếp xúc F1 ngày càng tăng. Thời gian gần đây, số ca tử vong cũng có chiều hướng tăng theo.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca tử vong thời gian qua có gia tăng do đặc điểm của biến chủng Delta. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 tại TPHCM là 0,75%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 2% của thế giới.
Số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh thời gian gần đây khiến các bệnh viện gặp tình trạng quá tải, lúng túng trong một số trường hợp điều chuyển bệnh nhân nặng lên bệnh viện tuyến trên. Một trong những lý do khác dẫn đến sự quá tải là cơ sở vật chất một số bệnh viện dã chiến chưa kịp đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng do thời gian chuẩn bị ngắn.
Ngành y thành phố đã cố gắng kéo giảm sự quá tải bằng cách thiết lập mô hình điều trị Covid-19 theo sơ đồ tháp 4 tầng. Trong đó, các bệnh nhân nặng, cần hồi sức sẽ được điều trị ở tầng 4, các tầng còn lại sẽ điều trị, cách ly bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đã mở rộng, chuyển đổi công năng nhiều bệnh viện dã chiến phục vụ công tác khám chữa, điều trị bệnh nhân nặng. Tổng công suất của thành phố hiện là 20.000 giường và sẽ nâng lên 50.000 giường trong thời gian tới.
Đối với vấn đề nhân lực, Bộ Y tế, các tỉnh thành đã hỗ trợ số lượng lớn nhân sự ngành y cho địa bàn TPHCM. ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế cả nước sẽ được tăng cường cho thành phố.
Ngoài ra, TPHCM cũng huy động sinh viên ngành y và nhân lực tại chỗ từ cơ sở để tăng cường cho hoạt động phòng, chống Covid-19.
Điểm quan trọng trong cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà
"Điều quan trọng nhất trong việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà là sự tự giác, ý thức của người dân", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận.
Ông Nguyễn Hoài Nam nêu ví dụ, một gia đình có người cách ly F1 không tuân thủ quy định ở yên tại phòng riêng, người này sẽ là nguồn lây cho các thành viên còn lại.
Lý giải về việc thí điểm điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng là nhân viên y tế, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, lực lượng này am hiểu vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 và ý thức được vấn đề sức khỏe của mình. Ngoài ra, họ cũng sẽ được hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế trong vấn đề tự điều trị.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng nhìn nhận trong thời gian đầu áp dụng biện pháp cách ly F1 tại nhà, nhiều địa phương đã lúng túng trong thời gian mới bắt đầu triển khai, do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề này đã được cải thiện sau một thời gian thực hiện.
Nói về kế hoạch tận dụng quãng thời gian cách ly xã hội còn lại, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, ngành y đã thay đổi chiến thuật xét nghiệm để truy vết F0. Thay vì xét nghiệm dàn trải trên diện rộng như trước đây, lực lượng y tế sẽ tập trung tầm soát khu vực có nguy cơ rất cao.
"Số lượng ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng, nhưng sau khi tầm soát liên tục thì chắc chắn giảm dần. Chúng tôi không chắc sẽ bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng những ngày cách ly xã hội còn lại, tuy nhiên, phương án này cơ bản sẽ giúp TPHCM kiểm soát được tình hình", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ.