TPHCM tìm điểm đột phá riêng khi cùng cả nước thực hiện Nghị quyết 57
(Dân trí) - Chuyên gia góp ý, để tạo sự đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57, TPHCM cần tập trung cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thể chế.
Chiều 17/1, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM tổ chức hội nghị góp ý chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện do Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Lâm Đình Thắng chủ trì và có sự tham dự của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là động lực mới cho chiến lược phát triển quốc gia thời gian tới. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai, quán triệt bản Nghị quyết này.
"Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nghị quyết đối với quốc gia. Đối với TPHCM, Nghị quyết 57 càng mang tính quan trọng vì TPHCM và Hà Nội là những địa bàn chiến lược. Lãnh đạo TPHCM đã đưa ra những yêu cầu rất quyết liệt để các cơ quan tham mưu và triển khai ngay Nghị quyết 57," ông Lâm Đình Thắng cho hay.
Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 57, Thành ủy TPHCM sẽ ban hành chương trình hành động, xác định các giải pháp cụ thể, quyết liệt. UBND TPHCM cũng hình thành kế hoạch triển khai, phân công đầu việc, tiến độ hoàn thành.
Ông Lâm Đình Thắng thông tin thêm, các lĩnh vực của Nghị quyết 57 rất lớn, do đó TPHCM cần tập trung tìm kiếm lĩnh vực là lợi thế của địa phương, tạo hiệu quả thật sự, chuyển biến nhanh và đi vào nền kinh tế - xã hội. Thành phố cũng cần giải pháp để huy động tất cả nguồn lực xã hội tham gia thực hiện nghị quyết.
Một trong những bài toán khó của thành phố thời gian tới là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và xã hội. Trong đó có các ngành, nghề như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn.
Tại buổi làm việc, PGS. TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý Công (Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM), nhìn nhận, vấn đề chuyển đổi số đang được triển khai đa dạng, trên diện rộng tại TPHCM. Khi đi vào chi tiết, việc phục vụ dịch vụ công cho người dân có nhiều điểm cần cải thiện và nâng cao chất lượng so với hiện tại.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vị chuyên gia góp ý, TPHCM cần có các trung tâm phổ cập trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật. Hiện tại, đội ngũ giảng viên, chuyên gia trong nước có thể đảm trách vấn đề này.
"Chúng ta không cần tốn quá nhiều ngân sách để cử nhân sự đi nước ngoài đào tạo. Năng lực trong nước có thể đảm bảo việc này, vấn đề là có nguồn kinh phí hỗ trợ hay không," ông Nguyễn Văn Phương nói.
Thời gian tới, PGS. TS Nguyễn Văn Phương cho rằng, TPHCM cần tập trung cho công nghệ lõi của ngành năng lượng tái tạo. Theo chuyên gia, đây là vấn đề sống còn của thành phố trong tương lai.
"TPHCM có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, nhưng hầu hết sản phẩm từ tấm năng lượng, pin đều nhập khẩu. Hầu như chỉ có khâu gia công, cáp điện là từ nguồn trong nước. Vấn đề pin lưu trữ là điều rất đáng quan tâm để phát triển năng lượng tái tạo ở TPHCM," chuyên gia chia sẻ.
Ông Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, nhận định, các vấn đề trọng tâm của TPHCM trong thực hiện Nghị quyết 57 là thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu, công nghệ. Trong đó, thể chế là vấn đề cần tập trung hàng đầu.
"Với thể chế, TPHCM có thể huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Ví dụ, HĐND TPHCM có thể quyết định giá thành cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội, thanh toán, quyết toán cho chuyên gia, nhà khoa học và các nguồn thu," ông Võ Văn Khang góp ý.
Ngoài ra, dữ liệu cũng là bài toán TPHCM cần giải quyết. Hiện tại, nguồn dữ liệu còn cát cứ và chủ yếu tập trung cho ngành dọc, TPHCM có thể thành lập trung tâm dữ liệu của địa phương, kết nối với Trung tâm dữ liệu Quốc gia để giải quyết vấn đề này.
"Các dữ liệu có thể thu thập từ các hệ thống khác nhau để phục vụ phát triển khoa học, công nghệ. Dữ liệu có thể thu thập thói quen, cách di chuyển, tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Các dữ liệu này có thể được khai thác để tạo sự tương tác giữa cơ quan Nhà nước với người dân nhanh hơn, tiện hơn," chuyên gia nhìn nhận.
Theo dự thảo chương trình hành động của Thành ủy TPHCM, năm 2045, thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao khu vực Đông Nam Á với hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo bền vững. Lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đưa TPHCM phát triển, là địa phương có thu nhập cao của cả nước.
TPHCM cũng phấn đấu có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tiệm cận nhóm 50 đô thị dẫn đầu thế giới vào năm 2045. Chính quyền số của địa phương được triển khai toàn diện, vận hành hiệu quả, minh bạch.
Để đạt được các mục tiêu này, dự thảo kế hoạch của UBND TPHCM đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, đến năm 2030, TPHCM dự kiến chi kinh phí cho nghiên cứu phát triển (R&D) là 2% GRDP, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.