1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

TPHCM tiếp tục có mưa chiều và tối trong 3 ngày tới

An Huy

(Dân trí) - Những ngày giữa tháng 6, dù bước vào đầu mùa mưa nhưng TPHCM vẫn có nắng nóng gián đoạn vào ban ngày, chiều tối và đêm có mưa rào nhiều nơi.

Ngày 17/6, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 24h qua, Nam Bộ ngày nắng, nắng nóng vẫn xảy ra nhưng cường độ có phần giảm hơn. Mưa vẫn còn duy trì trên diện rộng, vùng mưa lớn tập trung ở các tỉnh miền Đông.

Nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh này đạt 32,5-35,4 độ C, TP Biên Hòa (Đồng Nai) nóng nhất với 35,4 độ C. Các tỉnh miền Tây nhiệt độ cao nhất 31,4-35,1 độ C.

TPHCM tiếp tục có mưa chiều và tối trong 3 ngày tới - 1

TPHCM sẽ có mưa vào chiều tối và đêm những ngày tới (Ảnh: An Huy).

Trong khi đó, tại TPHCM có nắng nóng gián đoạn, chiều tối và đêm có mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to. Nhiệt độ cao nhất ngày tại Tân Sơn Nhất là 36 độ C.

Trong chiều và tối nay, Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng gián đoạn, nắng có xu hướng nhích dần lên, mưa xuất hiện vào chiều tối nhưng diện mưa giảm hơn so với 24h qua ở diện rải rác. Đồng thời mưa vừa, mưa to sẽ thu hẹp lại, mưa dông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trong 2-3 ngày tới, rãnh áp thấp qua Bắc Bộ tiếp tục duy trì. Trên cao, áp cao cận nhiệt hoạt động ổn định.

Nam Bộ tiếp tục có nắng gián đoạn vào ban ngày, chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, có nơi có mưa vừa, cục bộ mưa to. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

TPHCM tiếp tục có mưa chiều và tối trong 3 ngày tới - 2

Viên đá được người dân nhặt trong mưa chiều 14/6 (Ảnh: Lê Trai).

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, Nam Bộ đang ở thời kỳ đầu mùa mưa. Tuy nhiên, những ngày qua nhiệt độ tăng cao, trời nóng và oi bức (khoảng 36 độ C), mây giông phát triển mạnh nên có mưa rào, mưa to và giông gió giật kèm theo hiện tượng mưa đá ở TPHCM và một số nơi tại Nam Bộ.

Nguyên nhân gây mưa đá là do những đám mây giông khổng lồ hình thành, từ biển vào. Những khối mây giông (mây đối lưu) rất mạnh, đỉnh mây có thể lên tới trên 6-8km, có lúc trên 10km.

"Trên đỉnh mây nhiệt độ có thể âm 20-30 độ C, những hạt nước trong khối mây trở thành nước đá, di chuyển lên xuống do chuyển động thẳng đứng, các hạt đá càng lúc kết dính nhau to thêm, nặng hơn và rơi ra khỏi khối mây xuống đất tạo mưa đá", bà Lan nói.