TPHCM sớm kêu gọi đầu tư xây cầu Cần Giờ hơn 5.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Cầu Cần Giờ (TPHCM) được thiết kế dây văng, phác họa hình dáng cây mang tính chất đặc trưng của huyện Cần Giờ, dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng dự án cầu Cần Giờ, mở đường cho giai đoạn phát triển về phía biển.

Ngày 19/4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tổ chức lễ công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ, nối 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè sau gần 1 năm tổ chức tuyển chọn.

TPHCM sớm kêu gọi đầu tư xây cầu Cần Giờ hơn 5.000 tỷ đồng - 1
Phối cảnh cầu Giờ hình cây đước với trụ tháp cao 230m

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Nguyễn Đình Hưng cho biết, từ 17 phương án thiết kế, hội đồng tuyển chọn đã thống nhất chọn phương án cầu Cần Giờ dây văng 1 trụ tháp, với ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ.

Theo phương án này, cầu Cần Giờ được thiết kế theo dạng cầu dây văng một trụ tháp, lan can cầu có hình tượng sóng biển, với các trụ đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu.

Cầu Cần Giờ dài hơn 3km, với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m. Cầu sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối khu Nam thành phố với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, phá thế độc đạo của phà Bình Khánh. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

TPHCM sớm kêu gọi đầu tư xây cầu Cần Giờ hơn 5.000 tỷ đồng - 2
Cầu Cần Giờ là biểu tượng cho giai đoạn phát triển về phía biển của TPHCM

Cầu Cần Giờ có điểm đầu tại nút giao đường 15B (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía Nam.

Dự án xây cầu Cần Giờ được UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn dự kiến 5.300 tỷ đồng. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ GTVT bổ sung cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, chủ trương TP phát triển về phía biển, mở ra hướng phát triển kinh tế, xã hội cũng như thay đổi diện mạo huyện Cần Giờ. Cầu Cần Giờ là công trình hiện đại mang ý nghĩa biểu tượng độc đáo, gắn với huyện Cần Giờ. Chiếc cầu nối khu Nam TP với huyện Cần Giờ mở đường cho giai đoạn phát triển về phía biển và cũng là biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của thành phố.

“Cầu có tĩnh không thông thuyền lớn nên yêu cầu đặt ra cũng đặc biệt, ngoài yếu tố kỹ thuật còn là yếu tố mỹ thuật, đánh dấu dấu ấn phát triển về phía biển của thành phố. Trong tương lai gần, cầu Cần Giờ góp phần đi tiên phong phát triển TP về phía biển”, ông Hưng nói.

TPHCM sớm kêu gọi đầu tư xây cầu Cần Giờ hơn 5.000 tỷ đồng - 3

Cầu Cần Giờ được thiết kế theo dạng cầu dây văng một trụ tháp, lan can cầu có hình tượng sóng biển, với các trụ đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP, trên cơ sở phương án kế sẽ triển khai thiết kế cơ sở với một số nội dung quan trọng như xác định thông số kỹ thuật, yếu tố tài chính, tác động xã hội…

“UBND TP tiếp tục chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP thực hiện thủ tục tiếp theo, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tiến độ rất quan trọng, càng sớm càng tốt. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau, những thông số quan trọng của dự án sẽ hoàn thành để kêu gọi đầu tư. Cầu thay thế phà Bính Khánh sẽ tiên phong, kết hợp với phát triển khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành động lực phát triển cho địa phương”, ông Hưng nhấn mạnh.

TPHCM sớm kêu gọi đầu tư xây cầu Cần Giờ hơn 5.000 tỷ đồng - 4
Cầu Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế huyện Cần Giờ

Liên quan đến giao thông kết nối khu vực Đông Nam Bộ, ông Hưng cũng chia sẻ thông tin về dự án cầu Cát Lái – nối TPHCM với tỉnh Đồng Nai. Cầu Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, tỉnh Đồng Nai cũng xin đứng ra làm đầu mối đầu tư.

“Tuy nhiên, hiện nay đang còn vướng mắc thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công. Phải nghiên cứu kỹ là đầu tư công hay là hợp tác công tư (PPP). Sau đó xác định một số thông số cơ bản như tĩnh không thông thuyền, chiều dài, kết cấu cầu… mới thi tuyển phương án kiến trúc”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, nếu tỉnh Đồng Nai chủ trì dự án thì TPHCM phối hợp thực hiện. Dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái mới được đề xuất nên phải nghiên cứu kỹ quy hoạch đô thị hai đầu cầu, tính toán tác động xã hội…

Quốc Anh