1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

TPHCM sẽ làm đô thị nén ở vùng lõi metro, Vành đai 3

Thư Trần

(Dân trí) - Vùng lõi nhà ga metro sẽ được xây dựng đô thị nén, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và nhà ở xen kẽ, khuyến khích người đi bộ, đường sắt đô thị.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga tuyến Metro số 1, Metro số 2, nút giao Vành đai 3 theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).

Theo đó, TPHCM sẽ thí điểm mô hình TOD và sử dụng ngân sách đầu tư công để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng từ dự án nhà ga metro và nút giao Vành đai 3.

Điều này giúp thành phố linh hoạt trong việc điều chỉnh mật độ xây dựng và chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật và tối ưu hóa giá trị đất đai xung quanh các nhà ga và vành đai, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để tái đầu tư hạ tầng giao thông.

TPHCM sẽ làm đô thị nén ở vùng lõi metro, Vành đai 3 - 1

Tuyến Metro số 1 đoạn giao thoa giữa ga ngầm và ga trên cao (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Kế hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD của TPHCM được chia thành 3 vùng triển khai, tùy thuộc vào vị trí và đặc điểm khu vực.

Trong đó, vùng lõi nhà ga metro (bán kính 400-500m) là khu vực tập trung phát triển đô thị mật độ cao nhất, với các hoạt động thương mại, dịch vụ và nhà ở xen kẽ. Người dân được khuyến khích đi bộ, và đường sắt đô thị ở khu vực này.

Vùng chuyển tiếp nhà ga (bán kính 500-1.000m) có mật độ đô thị cao, kết nối với các ga bằng xe buýt, xe đạp, và phương tiện nhẹ. Các dịch vụ xã hội và công trình dân cư đa chức năng được bố trí, trong đó đường sắt đô thị là phương tiện giao thông chính.

Vùng nút giao Vành đai 3 là khu vực phát triển quanh các nút giao thông chính, bao gồm khu dân cư, công nghiệp và logistics, với đô thị trung, cao tầng xung quanh lõi trung tâm.

Phương tiện giao thông chủ yếu trong khu vực là xe đạp, xe điện, kết nối ra ngoài bằng các đường nhánh vành đai và phương tiện công cộng.

Giai đoạn đầu tiên (2024-2025) TP triển khai TOD với những vị trí thí điểm đã được xác định thuộc Metro số 1, Metro số 2 và Vành đai 3. Từ quý IV/2024 đến quý I/2025, TP hoàn tất xác định ranh giới, quy hoạch và tình trạng pháp lý từng khu đất. Sau đó, công tác điều chỉnh quy hoạch sẽ được triển khai trong năm 2025, với thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2025.

Giai đoạn 2026-2028, TP tiếp tục triển khai các khu vực TOD bổ sung, đặc biệt tại 2 vị trí là khu 290,2ha tại xã Tân Hiệp (Hóc Môn), dọc Vành đai 3 và khu vực xung quanh ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh (314ha) thuộc Metro số 3 nối dài và tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tại các khu vực trên, quy trình tương tự giai đoạn đầu, bao gồm xác định ranh giới, quy hoạch, tính pháp lý của đất đai trong quý II và III năm 2025. Sau đó, quy hoạch sẽ được điều chỉnh trong quý II-IV/2025, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hoàn tất vào đầu năm 2026.

Vị trí thí điểm ở giai đoạn đầu (2024-2025):

Metro số 1: Khu vực quanh ga Phước Long (khu Trường Thọ, TP Thủ Đức), diện tích hơn 160ha.

Metro số 2: Ba vị trí ở ô phố I/82a, Tây Thạnh (26,65ha); Trung tâm Triển lãm và Trung tâm Thể dục thể thao quận Tân Bình (5,1ha); khu C30 gần ga Lê Thị Riêng (40,9ha).

Vành đai 3: Các khu đất lớn như Nông trường Dừa (152,6ha) và khu đất Long Bình (29ha) ở TP Thủ Đức. Khu số 8 rộng 198,4ha ở Tân Hiệp, khu số 6 rộng 389,3ha tại Xuân Thới Thượng và khu 104,9ha ở Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm