1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM sẽ có thêm nhiều phố đi bộ

(Dân trí) - Ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện hữu, không gian đi bộ sẽ được mở rộng sang tuyến đường Lê Lợi, kéo dài đến chợ Bến Thành, Công viên 23/9 và khu vực Nhà hát TP để tạo thành khu đi bộ trung tâm TPHCM.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, theo quy hoạch được duyệt, thành phố sẽ dành gần 60ha trong khu trung tâm cho việc quy hoạch công viên cây xanh, chiếm tỷ lệ 6,4% (tăng gấp đôi so với hiện nay), đồng thời bổ sung thêm khu vực không gian quảng trường (4,4ha), cây xanh cách ly (gần 2ha) để góp phần tăng mảng xanh và chức năng phục vụ người dân.

TPHCM muốn mở rộng không gian đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố, bắt đầu từ phố đi bộ Nguyễn Huệ
TPHCM muốn mở rộng không gian đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố, bắt đầu từ phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thực tế, thành phố đã triển khai thành công, hiệu quả trục cảnh quan đầu tiên là đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Tuy nhiên, phố đi bộ Nguyễn Huệ sau thời gian đi vào vận hành đã bộc lộ một số hạn chế do chịu ảnh hưởng lớn của bức xạ nhiệt từ mặt đường cũng như chưa đáp ứng đủ nhu cầu về không gian mở (phục vụ thêm cho hoạt động thương mại), mảng xanh, các tiện ích công cộng, chi tiết trang trí thu hút khách tham quan trên trục đường.

Do đó, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, từ trục đi bộ Nguyễn Huệ sẽ tiến tới triển khai tiếp các trục khác, kết hợp với công tác lập đồ án quản lý không gian kiến trúc tỷ lệ 1/500 như công viên cảng Bạch Đằng (chuẩn bị lập đồ án) và công viên 23/9 (đang tổ chức thi ý tưởng quy hoạch kiến trúc cảnh quan).

Từ đây tạo tiền đề để phát triển lan tỏa, từng bước hoàn thiện dần mạng lưới trục chính về cảnh quan, văn hóa, thương mại và đi bộ cho khu lõi trung tâm của thành phố.

Cùng với định hướng quy hoạch mạng lưới lưu thông đã được duyệt, khu lõi trung tâm thương mại tài chính (phân khu 1 khu trung tâm 930ha) dự kiến bố trí thành khu vực thương mại sầm uất, dành nhiều không gian cho người đi bộ.

Ý tưởng quy hoạch trục đi bộ có cây xanh ở khu lõi trung tâm TPHCM của Sở Quy hoạch - Kiến trúc
Ý tưởng quy hoạch trục đi bộ có cây xanh ở khu lõi trung tâm TPHCM của Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Theo đó, trục đường Lê Lợi sẽ tiếp nối dự án trục đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm và kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành là quảng trường đi bộ.

Không gian đi bộ cũng được mở rộng sang hướng Đông phía sau Nhà hát TP để trở thành phố buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23/9.

Mặt bằng đường Lê Lợi (đoạn từ vòng xoay chợ Bến Thành đến Nhà hát thành phố) sẽ được Ban quản lý đường sắt đô thị bàn giao ngay trong năm 2019. Vì vậy, công tác nghiên cứu thiết kế cảnh quan đô thị trục đường Lê Lợi cần làm ngay, nhằm tái lập không gian và hoạt động đường phố.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, trong tương lai gần ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ thành giao lộ quan trọng bậc nhất của thành phố với sự phát triển nhanh chóng của các công trình phức hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn đang được xây dựng. Vì vậy, công tác thiết kế cảnh quan đô thị cho giao lộ này phải có tầm nhìn.

Do đó, Sở đề xuất UBND TPHCM thiết kế cảnh quan trục đường Lê Lợi bao gồm Nhà hát TP, cùng với không gian giao tiếp với trục Nguyễn Huệ, Pasteur và quảng trường ga trung tâm Bến Thành, theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, việc thiết kế cảnh quan sẽ tập trung quanh công viên Nhà hát thành phố (đoạn từ Hai Bà Trưng đến giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi). Đồng thời, nghiên cứu phân khu chức năng và bổ sung một số hạng mục cây xanh, tiện ích trên trục đường Nguyễn Huệ nhằm đáp ứng nhu cầu người dân ngay trong năm 2019.

Tại công viên Nhà hát Thành phố và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bố trí đài/hồ nước, vườn hoa, các chi tiết nghệ thuật, kiến trúc kết hợp các yếu tố về ánh sáng, âm thanh, màu sắc...

Giai đoạn 2, hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của trục đường Lê Lợi (đoạn còn lại đến công viên 23/9). Sau đó, tiếp tục nghiên cứu kết nối, định hình toàn bộ không gian công cộng, kết hợp không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt, nhất là phương án kết nối không gian các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng.

Quốc Anh