1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM sẽ có đơn vị sự nghiệp quản lý xe công?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố có cách làm riêng để quản lý xe công hiệu quả hơn. “Nếu phương án được thông qua thì thành phố không mua xe công nữa mà sẽ thuê. Toàn bộ xe công được đưa về một đơn vị sự nghiệp quản lý và thành phố thuê lại theo yêu cầu”, ông Tuyến nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, để hướng tới việc quản lý, sử dụng xe công hiệu quả hơn, thành phố đang hoàn chỉnh đề án để trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 3 này.

Theo ông Tuyến, TPHCM sẽ có cách làm riêng nhưng tựu trung lại là thuê xe chứ không mua xe công nữa. “Nếu đề án của thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua thì thành phố không mua xe công nữa, không phải tốn chi phí bảo trì mà sẽ thuê. Còn phương án cụ thể như thế nào thì chờ thông qua mới thông tin chi tiết”, ông Tuyến nói.

Hiện nay TPHCM có 693 xe công nhưng phần nhiều là xe cũ. So với quyết định 32 của Thủ tưởng Chính phủ, thành phố dư 353 xe công
Hiện nay TPHCM có 693 xe công nhưng phần nhiều là xe cũ. So với quyết định 32 của Thủ tưởng Chính phủ, thành phố dư 353 xe công

Không nêu cụ thể phương án, song ông Tuyến cũng thông tin sơ bộ: “Toàn bộ xe công sẽ được đưa về một đơn vị sự nghiệp quản lý và thành phố sẽ thuê lại theo yêu cầu để linh hoạt hơn”.

Theo ông Tuyến, việc thuê xe sẽ đảm bảo quy định Nhà nước và yêu cầu thực tiễn của thành phố. Chẳng hạn như trường hợp đặc biệt đi chống bão ở Cần Giờ hay đi chống dịch bệnh thì sẽ tăng cường thêm xe để đảm bảo nhiệm vụ chính trị. “Còn hết giai đoạn này thì không thuê thêm nữa. Như vậy bài toán mua xe công không còn nữa, không tốn phí bảo trì xe, trả lương tài xế. Còn tài xế về đơn vị sự nghiệp này làm việc sẽ tăng thu nhập”, ông Tuyến nói.

Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng chia sẻ thêm về việc bố trí xe đưa đón, phục vụ công tác của lãnh đạo, các chức danh chủ chốt thành phố. “Trừ một số chức danh lãnh đạo thường trực, thường vụ thì phải bố trí xe để đảm bảo công việc, công tác an ninh. Cơ bản là gần như toàn bộ xe sẽ được chuyển đổi”, ông Tuyến thông tin.

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng hiệu quả xe công, mới đây Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đang được bộ này xây dựng trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

“Thực hiện hình thức khoán kinh phí bắt buộc từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên gồm: Thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập”, tờ trình của Bộ Tài chính nêu rõ.

Trong đó, Bộ Tài chính có đề xuất phương án đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng đối với các chức danh có hệ số phục cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng/giảm trên 20%.

Khi được hỏi quan điểm của TPHCM về đề xuất nêu trên, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “Nếu chức danh được bố trí xe riêng mà nhận khoán như đề xuất của Bộ Tài chính thì ủng hộ. Nếu đề xuất được triển khai thì chức danh được bố trí xe riêng sẽ có nhiều lựa chọn hơn chứ không cứng nhắc”.

Quốc Anh