1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM ra mắt phần mềm nhận diện thông tin tiêu cực trên mạng xã hội

Q.Huy

(Dân trí) - Sở TT&TT TPHCM cho biết, địa bàn có 22 triệu tài khoản mạng xã hội, có nhiều người sáng tạo nội dung nhất cả nước. Ngoài thông tin tích cực, đây cũng là nơi có các thông tin tiêu cực, chưa kiểm chứng.

Chiều 27/2, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM tổ chức Lễ công bố triển khai phần mềm Lắng nghe mạng xã hội. Phần mềm này là một công cụ đầy tiềm năng giúp thành phố hiểu rõ cộng đồng mạng và nắm bắt dư luận.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, cho biết, toàn địa bàn có khoảng 10 triệu dân nhưng có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội, 200 cơ quan báo chí, 355 mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử. Bên cạnh đó, TPHCM cũng là nơi có nhiều người sáng tạo nội dung, KOLs (người dẫn dắt dư luận) nhiều nhất cả nước.

"Ngoài nguồn thông tin từ các cơ quan báo chí, mạng xã hội cũng là một phần không thể không quan tâm đối với công tác chỉ đạo, điều hành", ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.

TPHCM ra mắt phần mềm nhận diện thông tin tiêu cực trên mạng xã hội - 1

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Q.Huy).

Giám đốc Sở TT&TT thành phố cho biết, trung bình mỗi tuần, cơ quan này nhận không dưới 10 đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan các hoạt động trên mạng Internet. Trong thực tế, cuộc sống người dân thành phố đang dịch chuyển trên mạng rất nhiều.

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu về một công cụ có thể thu thập, đánh giá, phân tích thông tin trên mạng để phục vụ việc chỉ đạo, điều hành. Mặt khác, lãnh đạo thành phố cũng mong muốn có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân trong thực thi chính sách.

Do đó, thời gian qua, Sở TT&TT cùng các đơn vị hình thành công cụ lắng nghe mạng xã hội. Đây là nền tảng dùng chung cho các sở, ngành, đại phương giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. 

TPHCM ra mắt phần mềm nhận diện thông tin tiêu cực trên mạng xã hội - 2

Phần mềm lắng nghe mạng xã hội có khả năng nhận diện thông tin tích cực, tiêu cực theo thời gian thực (Ảnh: Q.Huy).

"Trong 8 ngày Tết Nguyên đán 2024, hệ thống này ghi nhận 65% thông tin về thành phố là tích cực, 25% là trung lập và 10% là tiêu cực. Từ mức độ đánh giá này, thành phố có thể nhìn nhận và điều chỉnh cho phù hợp", Giám đốc Sở TT&TT TPHCM lấy ví dụ.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Sở TT&TT TPHCM), cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 78 triệu người dùng Internet, hơn 72 triệu người dùng mạng xã hội. Trong đó, hơn 72 triệu người sử dụng Facebook, 67 triệu người dùng Tiktok...

Ngoài các thông tin tích cực, mạng xã hội cũng là nơi lan tỏa nhiều thông tin tiêu cực, không kiểm chứng. Do đó, yêu cầu được đặt ra là cần một công cụ hữu hiệu để giám sát, can thiệp kịp thời.

TPHCM ra mắt phần mềm nhận diện thông tin tiêu cực trên mạng xã hội - 3

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử, trình bày về các tính năng của phần mềm (Ảnh: Q.Huy).

"Dòng chảy của thông tin đã hình thành một nền kinh tế dựa trên sự chú ý. Điều này cũng dẫn đến một số vụ việc liên quan đến đầu bếp Võ Quốc, vụ việc của Ngọc Trinh hay gần đây nhất là những phát ngôn của Nam Em", Trưởng phòng Thông tin điện tử phân tích.

Về các tính năng nổi bật, phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng khác. Điều này giúp người sử dụng có cái nhìn tổng quan, thông tin được đầy đủ, đa chiều về ý kiến, suy nghĩ và trào lưu trên mạng.

Theo Sở TT&TT, phần mềm lắng nghe xã hội cũng được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và học phân tích dữ liệu một cách thông minh, hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, ngành, lĩnh vực và vùng. Từ những diễn biến thông tin phần mềm cũng nhận diện tâm trạng, cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực, trung lập, tiêu cực.

Phần mềm mới ra mắt sẽ được sử dụng giúp cơ quan quản lý Nhà nước chủ động trong tiếp nhận, hiểu rõ hơn về ý kiến người dân, doanh nghiệp, thu thập đánh giá, góp ý về các hoạt động.

Phần mềm có thể giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội. Đặc biệt là các nội dung, diễn biến thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá lợi dụng mạng xã hội và nền tảng Internet để kích động, kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách.