TPHCM phạt tiền hơn 3.000 chủ xe quá tải sau một năm thí điểm cân tự động
(Dân trí) - Sau một năm thí điểm cân tự động, TPHCM ghi nhận hơn 4.000 phiếu cân với hơn 3.000 phiếu vi phạm. Tổng số tiền phạt là hơn 47 tỷ đồng.
Sở GTVT TPHCM vừa có báo cáo khẩn gửi Bộ GTVT và UBND TPHCM về kết quả tổng kết sau 1 năm thí điểm dùng cân tự động để phát hiện, xử phạt hành chính các cá nhân, tổ chức vận chuyển (hàng hóa quá tải) bằng ô tô khi người lái, chủ xe đã rời hiện trường nơi phát hiện vi phạm.
Trong 1 năm (từ 19/10/2023), Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã tiếp nhận tổng cộng 4.171 phiếu cân. Trong số này có 3.170 phiếu cân phải chịu phạt, còn lại 1.001 phiếu ghi nhận quá tải trọng nhưng chưa đến mức xử lý vi phạm hành chính.
Thanh tra Sở GTVT cũng đã phát hành thông báo chủ phương tiện đến trụ sở làm việc.
Tổng số tiền phạt là hơn 47 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan thu được hơn 37 tỷ đồng. Cá nhân là người lái xe bị phạt cao nhất 114 triệu đồng, còn tổ chức là 205 triệu đồng. Đồng thời, các trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe và phù hiệu có thời hạn.
Sở GTVT TPHCM đánh giá so với cùng kỳ, khi TP chưa triển khai thí điểm cân tự động, số trường hợp vi phạm giảm khá nhiều. Cụ thể, từ hơn 63.000 trường hợp vi phạm trước đó nay còn hơn 4.000 trường hợp, giảm hơn 92%.
Theo Sở GTVT, việc thí điểm cân tự động đã phát huy hiệu quả bước đầu trong mục đích nâng cao ý thức chủ xe, đơn vị vận tải, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Cân tự động cũng loại bỏ yếu tố can thiệp của con người, phòng ngừa vi phạm trong quá trình xử lý.
Tuy nhiên, đối với những chủ xe không đồng ý kết quả phiếu cân, đặc biệt là những chủ xe/phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác, công tác xác minh và cung cấp chứng từ liên quan mất thời gian, khiến sự vụ kéo dài, ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm hành chính.
Một số trường hợp hệ thống đăng kiểm chưa cập nhật kịp thời dữ liệu phương tiện sau khi hoán cải, dẫn đến hệ thống cân cho kết quả xác định vi phạm không chính xác. Hệ thống dữ liệu trạm cân cũng chưa kết nối dữ liệu về cấp phép lưu hành đối với các xe quá khổ như xe bơm bê tông, xe vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng trên đường bộ toàn quốc nên dẫn đến khiếu nại kết quả.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện cũng tránh né hệ thống cân bằng cách đi lấn ra các dải phân cách.
Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét cho phép gia hạn thời gian triển khai xử phạt các trường hợp vi phạm đến hết 31/12.
Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng trên địa bàn theo quy định trong thời gian chờ UBND TP có chỉ đạo về việc gia hạn thí điểm xử phạt bằng hình thức cân tự động như trên.
Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, có camera tự động chụp lại biển số của xe, đọc ra các thông tin như: tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng... Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ thế nào.
Theo quy trình, hằng ngày, người của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM sẽ truy cập vào hệ thống kiểm soát tải trọng xe tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng cho phép, mức vi phạm theo quy định và chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt cho Thanh tra Sở GTVT.
Khi nhận được hồ sơ đề nghị xử phạt, Thanh tra sở xác minh, lập hồ sơ xử lý và gửi thông báo đến chủ xe. Nếu quá thời hạn giải quyết mà chủ xe chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan vi phạm hành chính.