1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Những ca Covid-19 không rõ nguồn lây có công thức chung!

Quang Huy

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, những ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây đều được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Ông nhấn mạnh, việc này đáng lo lắng và cần có giải pháp trong 2 tuần tới.

Chiều 15/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Buổi họp nhằm tìm ra phương án, biện pháp quyết liệt để đẩy lùi được dịch Covid-19 sau 2 tuần áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 sắp tới.

"Chúng ta cần trả lời được câu hỏi 2 tuần tới, thành phố dập dịch ra sao, giải pháp của chúng ta như thế nào. Nỗi lo lắng lớn nhất của chúng ta hiện tại là số ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn gốc, phát hiện qua khám sàng lọc, tầm soát ngày càng tăng cao", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.

Phát hiện F0 qua sàng lọc tại bệnh viện

Tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn mới nhất được phát hiện tại thành phố liên quan đến cửa hàng Hnam Mobile (Quận 10). Chuỗi lây nhiễm được phát hiện ngày 12/6 thông qua việc tầm soát 2 bệnh nhân khám sàng lọc. Ngành y đang tích cực điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần của chuỗi này.

Những chuỗi khác được phát hiện qua công tác khám sàng lọc như xưởng cơ khí (huyện Hóc Môn), chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân), chung cư Phú Thọ (Quận 11)... đã nhiều ngày không có ca mắc mới. Bên cạnh đó, chuỗi lây nhiễm liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát khi những ca mắc Covid-19 mới đều được cách ly trước đó.

TPHCM: Những ca Covid-19 không rõ nguồn lây có công thức chung! - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp ngày 15/6.

Chủ tịch UBND TPHCM dẫn chứng về một số chuỗi lây nhiễm xuất hiện thời gian gần đây như chuỗi lây nhiễm tại xưởng cơ khí huyện Hóc Môn, Ehome 3 (quận Bình Tân), chung cư Phú Thọ (Quận 11)... đều được phát hiện qua khám tầm soát tại các bệnh viện trên địa bàn. Từ những ca chỉ điểm đầu tiên, ngành y và lực lượng chức năng tiếp tục truy vết, ghi nhận những bệnh nhân tiếp theo.

"Những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc được phát hiện theo một công thức chung là khám sàng lọc tại bệnh viện rồi truy vết ở nơi ở, nơi làm việc và xác định các ca tiếp theo. Tất cả các ca bệnh ban đầu đó đều chưa rõ nguồn lây nhiễm", ông Nguyễn Thành Phong phân tích.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu lực lượng chức năng, cơ quan y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả chuỗi không rõ nguồn lây đã ghi nhận được. Đặc biệt, việc lấy mẫu cần được triển khai nhanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

"Trong quãng thời gian giãn cách xã hội tiếp theo, sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức cần thảo luận và triển khai những giải pháp để tạo sự chuyển biến về tình hình dịch bệnh trong những ngày sắp tới", ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

5 giải pháp cần khẩn trương thực hiện

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhận định, 2 tuần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sẽ là thời gian để thành phố tập trung, quyết tâm khống chế được dịch bệnh. Ông đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính.

Giải pháp đầu tiên là lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng đối với những ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây.

Giải pháp thứ 2 là thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị lực lượng chức năng và y tế tập trung hoàn tất lấy mẫu 280.000 công nhân trên địa bàn trước ngày 21/6.

TPHCM: Những ca Covid-19 không rõ nguồn lây có công thức chung! - 2

Việc lấy mẫu 280.000 công nhân tại TPHCM cần hoàn tất trước 21/6 (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Giải pháp thứ 3 là giám sát, tầm soát những địa điểm, khu vực, trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Những nơi có nguy cơ cao gồm sân bay, nhà ga xe lửa, cảng hàng hải. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị giám sát y tế chặt chẽ hành khách, tổ bay đến trong ngày.

"Từ 22/4 đến nay, thành phố đã làm xét nghiệm cho hơn 20.000 thành viên tổ bay của hơn 4.000 chuyến bay quốc tế và phát hiện 23 ca dương tính SARS-CoV-2. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ", Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận.

Giải pháp thứ 4 là giám sát các ca bệnh sau xuất viện, người hoàn thành cách ly y tế. Thực tế thời gian qua, TPHCM đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 sau khi xuất viện và hoàn thành thời gian cách ly.

Giải pháp thứ 5 là thực hiện tầm soát, sàng lọc chặt chẽ người có triệu chứng đến khám tại các bệnh viện. Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh khi xảy ra lây nhiễm tại bệnh viện, dù dịch bệnh xuất hiện ở bộ phận nào cũng bộc lộ sự hạn chế về mặt quản lý.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly y tế người nhập cảnh, người về từ nơi có dịch Covid-19. 

Đối với công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã thành lập tổ công tác mua và tổ chức tiêm vắc xin. Ngành y và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng lên danh sách xác định đối tượng ưu tiên tiêm chủng để triển khai các bước tiếp theo.

"Thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần được cập nhật, báo cáo từng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố. Trong một tuần tới, chúng ta sẽ cân nhắc chuyển sang áp dụng Chỉ thị 16 ở một số khu vực, nhưng cũng có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát theo Chỉ thị 19 ở một số nơi", ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.