TPHCM nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp

Phương Nhi

(Dân trí) - Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, TPHCM sẽ nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp như một số nước trên thế giới.

Sáng 6/4, tại buổi tập huấn xây dựng và triển khai dịch vụ xe đạp công cộng do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM và Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tổ chức, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã thông tin về kết quả đạt được sau 15 tháng triển khai dịch vụ trên.

Theo ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, mục tiêu của dịch vụ xe đạp công cộng là đa dạng hóa các loại phương tiện công cộng, từ đó giúp môi trường xanh - sạch hơn, nâng cao sức khỏe người dân và kết nối hệ thống giao thông công cộng.

TPHCM nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp - 1

Xe đạp công cộng tại đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM (Ảnh: Phương Nhi).

Tại TPHCM, xe đạp công cộng được triển khai trên địa bàn quận 1 từ tháng 12/2021 với 42 trạm dừng và gần 500 xe. Theo ông Ân, sau 15 tháng hoạt động, xe đạp công cộng đã thu được kết quả ấn tượng với hơn 305.000 người đăng ký tài khoản (trong đó có hơn 80% số người thật sự sử dụng dịch vụ).

Theo thống kế, có hơn 473.000 chuyến đi, trung bình 1.100 chuyến/ngày. Quãng đường sử dụng xe đạp công cộng là hơn 2,1 triệu km, trung bình 5.120km/ngày, tương đương 4,5km/chuyến. Tổng thời gian sử dụng hơn 390.000 giờ, trung bình gần 1.000 giờ/ngày, tương đương 50 phút/chuyến.

So với di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, khách hàng đạp xe với quãng đường kể trên đã giúp giảm hơn 183.000kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của hơn 8.700 cây xanh.

Không chỉ có thân thiện với môi trường, tần suất đạp xe trung bình hiện nay giúp người sử dụng đốt cháy tổng hơn 2,4 triệu calo mỗi tuần, có tác dụng tích cực với việc cải thiện sức khỏe.

Khách hàng sử dụng xe đạp công cộng hiện rơi vào 2 độ tuổi: 18-22 (chiếm 40%) và 22-34 (chiếm 45%). Dịch vụ đang hướng đến đúng đối tượng khách hàng là những người đi làm, sinh viên. Gần như toàn bộ khoảng thời gian trong ngày đều có khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng đa số tập trung vào các khung giờ đi làm, tan làm và đi chơi.

TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai dịch vụ và lan rộng đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gồm: TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), TP Quy Nhơn (Bình Định), TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng.

TPHCM nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp - 2

Người dân thành phố hào hứng trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng (Ảnh: Phương Nhi).

Dịp này, ông Hà Lê Ân cũng thông tin về kế hoạch triển khai dịch vụ thời gian tới. Cụ thể, sẽ tiếp tục phối hợp nhà đầu tư để mở rộng triển khai dịch vụ trên các địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức có nhu cầu và đáp ứng điều kiện về hạ tầng. Trước mắt, sẽ rà soát các vị trí khu vực tư nhân (trung tâm thương mại, cao ốc, chung cư, trường học...) để triển khai bổ sung.

"Việc tiếp theo là nghiên cứu triển khai thí điểm làn dành riêng cho xe đạp tại một số tuyến đường có nhu cầu sử dụng cao, như ở Hà Lan và một số nước trên thế giới hiện nay", ông Ân nói. Đồng thời, sẽ xây dựng phương án tổ chức các vị trí để xe đạp cá nhân cho người dân thành phố.