1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"TPHCM nên chọn nhà tư vấn mới cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng"

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam - cho rằng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công nhiều tháng qua có phần lỗi của UBND TPHCM. Cụ thể, đơn vị tham mưu chưa làm hết trách nhiệm; không chặt chẽ trong chọn đơn vị tư vấn giám sát – chỉ định thầu… Do đó, chính quyền thành phố nên xử lý dứt điểm, chọn nhà tư vấn khác.

>>Phó Thủ tướng: TPHCM chịu trách nhiệm toàn diện về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công từ tháng 4/2018 đến nay khi gặp trục trặc trong tái cấp vốn do nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam – cho biết, nguyên nhân mấu chốt khiến dự án đình trệ hiện nay là đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) không chuyên nghiệp. Việc này có một phần lỗi của chính quyền thành phố.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam – khuyến cáo UBND TPHCM nên chọn nhà tư vấn mới để sớm tái khởi động dự án
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam – khuyến cáo UBND TPHCM nên chọn nhà tư vấn mới để sớm tái khởi động dự án

Theo luật sư Hậu, trước hết, các đơn vị tham mưu, sở ngành của thành phố chưa làm hết trách nhiệm. Đáng ra, đơn vị tham mưu phải sớm kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến dự án.

Thứ hai, lẽ ra ngay từ đầu, thành phố phải đấu thầu để chọn nhà tư vấn giám sát chuyên nghiệp hơn, đằng này lại chỉ định thầu. Điều này dẫn đến những hệ lụy hôm nay của dự án.

Do đó, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng UBND TPHCM nên xử lý dứt điểm, chọn nhà tư vấn khác. Nếu không sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn và dẫn đến kiện tụng đòi bồi thường từ doanh nghiệp thực hiện dự án.

“Tôi lo công ty Meinhardt (thành viên của liên danh TVGSHĐ) có khả năng trả hay không vì hiện nay đang nợ thuế, bảo hiểm xã hội ở TPHCM và Hà Nội. Nếu kiện cũng mất một vài năm thì ảnh hưởng đến dự án. Thành phố cần mạnh dạn đẩy nhà tư vấn này đi, chọn lại nhà tư vấn. Chấm dứt sớm ngày nào thì dự án sớm tái khởi động ngày đó”, luật sư Hậu khuyến cáo.

Hơn nữa, theo luật sư Hậu, căn cứ vào các quy định pháp luật và hợp đồng tư vấn giám sát thì công ty Meinhardt là nhà tư vấn không chuyên nghiệp và đã vi phạm hợp đồng. Do đó, thành phố có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Cụ thể, công ty Meinhardt đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán nợ. Theo thông báo phát đi ngày 14/9/2018 của Cục thuế TPHCM, công ty này nợ hơn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, theo danh sách các doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm của BHXH TPHCM, tính đến hết cuối tháng 7 năm nay, Meinhardt cũng còn nợ BHXH số tiền trên 4 tỷ đồng.

Giữa tháng 8/2018, Cục Thuế Hà Nội công bố danh sách các doanh nghiệp nợ đọng thuế, trong đó có công ty Meinhardt - nhà thầu chính tư vấn giám sát thi công tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Doanh nghiệp có mức thuế nợ đọng là hơn 33,6 tỷ đồng.

Theo luật sư Hậu, công ty Meinhardt vi phạm cam kết của đơn vị tư vấn với thành phố. “Ngoài pháp luật về đấu thầu cũng như những hành vi nghiêm cấm về gian lận bao gồm cung cấp không trung thực các hồ sơ tham gia gọi thầu, thì công ty đã vi phạm cam kết”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Dự án chống ngập đình trệ gây thiệt hại lớn về tài chính, ước tính mỗi tháng khoảng 17-20 tỷ đồng
Dự án chống ngập đình trệ gây thiệt hại lớn về tài chính, ước tính mỗi tháng khoảng 17-20 tỷ đồng

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng với vốn điều lệ khiêm tốn (7,2 tỷ đồng), cùng với nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội thể hiện công ty Meinhardt không đủ năng lực giám sát dự án lớn như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Do đó, một lần nữa ông đề nghị: “Thành phố xem xét chọn lại nhà tư vấn có năng lực để cùng phối hợp với 2 công ty còn lại trong liên danh đảm bảo giám sát tốt dự án chứ không nên kéo dài tình trạng hiện nay”.

Theo luật sư Hậu, sự thiếu thiện chí (từ chối tham gia họp các bên liên quan) giải quyết các vướng mắc của công ty Meinhardt trong bối cảnh hiện nay khiến dự án đình trệ và thành phố không thể vì một đơn vị mà ảnh hưởng đến dự án.

“Vấn đề quan trọng nhất là dự án sớm tái khởi động. Do đó, lãnh đạo thành phố cần sớm xử lý dứt điểm việc này”, luật sư Hậu nói.

Ngoài ra, luật sư Hậu cũng chỉ ra điểm không chuyên nghiệp của công ty Meinhardt trong câu chuyện “tố” đơn vị thực hiện dự án sử dụng thép Trung Quốc thay cho thép có xuất xứ G7.

Theo ông, tuy đơn vị thực hiện dự án có phản hồi không vi phạm trong sử dụng thép nhưng kết luận cuối cùng, ai đúng, ai sai thuộc về Đoàn kiểm tra của thành phố.

“Nếu sử dụng thép sai thì thể hiện sự không chuyên nghiệp và thành phố đủ cơ sở chấm dứt hợp đồng với Meinhardt. Vì đáng ra, với vai trò tư vấn, ngay từ đầu phát hiện sử dụng thép không đúng thì tư vấn có kiến nghị, khuyến cáo”, luật sư Hậu nói.

Cũng theo luật sư Hậu, dự án tạm ngưng càng lâu thì thiệt hại cho doanh nghiệp càng lớn vì tiền lãi vay.

Theo Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, dự án tạm ngưng gây thiệt hại từ 17-20 tỷ đồng mỗi tháng.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ họp để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, sớm tái khởi động dự án
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ họp để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, sớm tái khởi động dự án

Đánh giá về việc từ chối họp của đơn vị TVGSHĐ, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết: “Tư vấn và nhà đầu tư không chịu ngồi với nhau là không được. Tư vấn chỉ ra vấn đề mà không nghe nhà đầu tư thì làm sao hiểu để giải quyết vướng mắc. Việc như vậy là không nên, cần phải ngồi lại với nhau. Trên cơ sở báo cáo của tư vấn, nhà đầu tư, thành phố sẽ hoàn thiện dự án”.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết, trong tuần này, thành phố sẽ tổ chức cuộc họp để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan để đảm bảo đúng nhiệm vụ và hướng tới mục tiêu chung là sớm khởi động lại, hoàn thành dự án.

“Dự án chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị công trình, làm phát sinh lãi suất. Đây là lỗi lớn của thành phố với người dân, với Chính phủ. Đề nghị tư vấn nói gì, làm gì cũng phải hướng tới sự thành công của dự án. Vụ việc sẽ được làm rõ, không thể để việc này ảnh hưởng đến uy tín, công tác quản lý của thành phố”, ông Hoan khẳng định.

Quốc Anh