TPHCM muốn quản lý Grab, Uber như taxi truyền thống
(Dân trí) - Để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, TPHCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”, trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây, UBND TPHCM nêu quan điểm về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ.
Để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, TPHCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”.
Trong đó, loại hình “taxi mới” đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa loại hình “taxi mới” với taxi truyền thống.
Cụ thể, taxi truyền thống thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Riêng “taxi mới” cũng cần có quy định cụ thể về giá.
Về phương án nhận diện, taxi truyền thống phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó, ngoài ra cũng phải có số điện thoại giao dịch. Còn “taxi mới” thì phải xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
TPHCM cũng đề xuất taxi truyền thống sử dụng phù hiệu hiện tại và cần quy định loại phù hiệu mới cho “taxi mới”.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM đề xuất nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber, Facecar...) tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi.
Liên quan đến dịch vụ đi xe chung, UBND TPHCM cho rằng hình thức này chưa có cơ sở pháp lý để triển khai. Lực lượng chức năng rất khó kiểm tra để xử lý trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng từ 2 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng (tương tự hình thức đi chung xe) theo hình thức đi chung xe.
Do đó, TPHCM đề nghị dịch vụ đi chung xe chỉ áp dụng cho xe 9 chỗ trở xuống, đồng thời mỗi chuyến xe chỉ thực hiện tối đa hai hợp đồng nhằm tránh xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc”. Đồng thời, phải có nhận diện riêng (dán trên phương tiện) để áp dụng cho hình thức đi chung xe này nhằm có cơ sở kiểm tra, xử lý.
Quốc Anh