1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM lún 1 cm/năm vì tận thu nước ngầm

(Dân trí) - Lâu nay các nhà khoa học vẫn cảnh báo TPHCM đang lún vì khai thác nước ngầm quá mức. Từ năm 2007, TPHCM đã triển khai hạn chế khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp tận thu nước ngầm vì lợi ích cá nhân.

Khuyến khích người dân lấp giếng khoan

Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 1 cm/năm. Tính từ năm 1992 đến nay thì nhiều khu vực trên địa bàn 17 quận, huyện lún nặng ở thành phố đã bị lún từ 20 - 30 cm, nhiều nơi lân cận các công trình lớn thi công lún đến 50 cm.

Từ các con số thống kê được, Trung tâm Địa tin học nhận định nguyên nhân gây nên tình trạng lún thời gian qua ở TPHCM chủ yếu là do khai thác nước ngầm quá mức; trong khi đó, quá trình đô thị hóa khiến diện tích bê tông hóa ngày càng cao, diện tích kênh rạch bị san lấp ngày càng nhiều… khiến lượng nước bổ sung cho các túi nước ngầm ngày càng giảm.

TPHCM lún 1 cm/năm vì tận thu nước ngầm
Theo các nhà khoa học, do khai thác nước ngầm quá mức, nền địa chất TPHCM đang lún dần nên ngày càng có nhiều khu vực bị ngập cục bộ khi triều cường

Cảnh báo này không mới vì tình trạng lún do khai thác nước ngầm quá mức đã xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã triển khai chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm từ lâu. Ở TPHCM, năm 1997, UBND TP cũng đã ban hành quyết định 69/2007/QĐ-UBND quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện chủ trương này, ngành cấp nước thành phố đã tăng mạnh công tác lắp đặt hệ thống cấp nước sạch đến các khu vực có nhiều hộ dân khoan giếng khai thác nước ngầm để người dân chuyển đổi nguồn nước. Theo báo cáo của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tính đến cuối năm 2013, 90% hộ dân ở 23/24 quận-huyện (trừ huyện Củ Chi) đã được cấp nước sạch.

Nhờ đó, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 235/322 phường-xã có thể hạn chế hoặc cấm khai thác nước ngầm vì đã có nước sạch. Tuy nhiên, dù được cấp nước sạch nhưng có rất nhiều hộ gia đình sợ tốn kém tiền nước nên vẫn tận thu nguồn nước ngầm, không sử dụng nước sạch do Sawaco cung cấp.

Theo thống kê của Sawaco, trong tổng số 960.000 đồng hồ nước mà Sawaco đã lắp trên toàn thành phố thì có đến hơn 55.000 đồng hồ (gần 5,8%) không sử dụng giọt nước nào, gần 94.000 đồng hồ (gần 9,8%) chỉ dùng từ 1 - 4 m3/tháng. Nguyên nhân là do người dân vẫn sử dụng giếng khoan lấy nước ngầm, không sử dụng nước sạch để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Điều này dẫn đến hiệu quả khai thác hệ thống cấp nước thấp mà mục tiêu hạn chế khai thác nước ngầm cũng không thực hiện được. Do đó, đối với trường hợp hộ dân có giếng khoan gia đình khai thác nước ngầm sinh hoạt, Sawaco kiến nghị thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện việc lấp giếng và hỗ trợ chi phí lấp giếng, khuyến khích người dân lấp giếng.

Chấn chỉnh khai thác nước ngầm công nghiệp

Ngoài các hộ dân khai thác nước ngầm dùng cho mục đích sinh hoạt thì các cơ cở sản xuất là nhóm đối tượng khai thác nước ngầm lớn nhất trên địa bàn thành phố. Dù sau 7 năm triển khai chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm, việc khai thác nước ngầm đã giảm nhiều nhưng ở khu vực ngoại thành và các khu chế xuất - khu công nghiệp vẫn còn khá nhiều cơ sở khai thác.

Báo cáo Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TPHCM), Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 2/15 KCX-KCN là sử dụng hoàn toàn bằng nước sạch do nhà nước cung cấp để sản xuất, 13 khu còn lại thì khai thác nước ngầm để sản xuất hoặc sử dụng song song nước sạch và nước ngầm để giảm chi phí.

Trong các doanh nghiệp khai thác nước ngầm có rất nhiều doanh nghiệp tự ý khoan giếng khai thác, không xin phép cơ quan chức năng và thường giấu diếm thông tin nên các con số thống kê cũng không đầy đủ. Tuy nhiên, theo Hepza thì tình trạng này rất khó quản lý vì Hepza không phải là đơn vị cấp phép hay quản lý khai thác nước ngầm, chức năng này thuộc về Sở Tài nguyên Môi trường và UBND địa phương.

Theo thống kê của Hepza, lượng nước trung bình mỗi ngày 15 KCX-KCN sử dụng là khoảng 64.000 - 66.000 m3, trong đó có đến 36.000 - 38.000 m3 nước ngầm. Những doanh nghiệp tự khai thác nước ngầm để sử dụng chủ yếu tập trung tại các KCN như Tân Bình, Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc… Đó là chưa kể đến hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm bên ngoài các KCX-KCN cũng khai thác một lượng nước ngầm rất lớn mỗi ngày mà chưa thể thống kê được.

Để hạn chế tình trạng này, Sawaco kiến nghị UBND TP chủ trì, làm việc với các KCN-KCX, Trung tâm thương mại có sử dụng cùng lúc 2 nguồn nước (nước sạch thành phố cấp và nước ngầm) để nhắc nhở các đơn vị trên chấn chỉnh lại.

Tùng Nguyên