TPHCM làm gì với hơn 26.000ha đất nông nghiệp được phép chuyển đổi?
(Dân trí) - Sau khi được phép chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, TPHCM sẽ đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh; ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và công nghiệp trọng yếu; xây dựng với mật đô thấp, tăng diện tích không gian xanh để hạn chế ngập lụt đô thị ở những nơi có địa hình trũng thấp…
Ngày 11/8, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020).
Tại đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết trong giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng đất đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất.
Nguyên nhân là thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó có 2 khâu yếu là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định và trái thẩm quyền song chưa được kiểm tra ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Do năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư kém dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án. Đến cuối năm 2015, thành phố còn 2.100ha đất ở đô thị chưa được chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt.
Về quy hoạch sử dụng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020), diện tích nhóm đất nông nghiệp của thành phố là 88.005ha (năm 2010 là 118.052ha), trong đó, đất lúa là 3.000ha (giảm 15.675ha so với năm 2015). TPHCM được phép chuyển 26.246ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890ha, cao hơn 1.080ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ. Trong đó, đất phát triển hạ tầng là 34.921ha, cao hơn 3.244ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, tăng 15.233ha so với năm 2015.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để thực hiện hiệu quả điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thành phố sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng.
Cụ thể, phía Đông: phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (khoảng 280ha); phía Tây: khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200ha), trục Nguyễn Văn Linh; phía Nam: khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110ha); phía Bắc: thuộc khu Tây - Bắc (500ha), hướng Quốc lộ 22.
Thành phố sẽ ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp.
Để thích ứng biến đổi khí hậu, những nơi có địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều 1,5m), thành phố cần xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30%) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lụt đô thị. Các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước.
Tại hội nghị, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết TPHCM là địa phương dẫn đầu trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai.
Theo ông, việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch là vấn đề khó khăn, phức tạp. Các quận, huyện phải tiến hành lập quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất để làm cơ sở triển khai.
“Nếu không làm kịp thì cũng là quy hoạch treo. Thành phố phải huy động các nguồn lực để quy hoạch đi vào thực tiễn. Trong quá trình làm cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Phấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố có đất nông nghiệp lớn (hơn 50%) nhưng đóng góp cho GDP thành phố chưa tới 1%. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật…
Ông yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ, chống lãng phí, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đối với các dự án thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng phải công khai thông tin cho người dân biết, giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở Tài nguyên – Môi trường rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để có phương án xử lý. Những dự án nào sau 3 năm không triển khai thì công bố hủy bỏ và giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án nhưng kéo dài như thế không thể chấp nhận được. Nếu không kiên quyết thì thực hiện Nghị quyết 80 không hiệu quả. Các dự án cho thuê đất, nếu chậm thực hiện cũng thu hồi theo quy định”, ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phong cũng giao Công ty Đầu tư tài chính TP phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất TP triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Quốc Anh