1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM làm cách nào tránh xung đột lợi ích khi thu phí vỉa hè, lòng đường?

Q.Huy

(Dân trí) - Trước khi thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, TPHCM sẽ lấy ý kiến chủ nhà, cam kết của người sử dụng và xác định rõ trách nhiệm các bên. Nếu người dân không đồng thuận, địa phương sẽ không thực hiện.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 21/9, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thành phố, đã làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.

Ông Đường cho biết, để tránh mâu thuẫn giữa các bên liên quan (người sử dụng mặt bằng, chủ nhà…), địa phương phải lấy ý kiến của chủ nhà trước khi triển khai thu phí. Mặt khác, không phải vỉa hè, lòng đường nào tại TPHCM cũng có thể cho thuê để kinh doanh. Các quận, huyện sẽ khảo sát, đưa ra lộ trình và biện pháp thực hiện.

TPHCM làm cách nào tránh xung đột lợi ích khi thu phí vỉa hè, lòng đường? - 1

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM, tại họp báo (Ảnh: Nhân Thanh).

"Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường là phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân", Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ nhấn mạnh.

Để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và người khai thác, Sở GTVT TPHCM sẽ hướng dẫn các quận, huyện lấy ý kiến, cam kết của người sử dụng vỉa hè, lòng đường và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình kiểm tra, giám sát. Nếu người dân không đồng thuận, các địa phương sẽ không thực hiện thu phí.

"Tính đồng thuận của người dân phải được đặt lên cao để tránh sự xung đột lợi ích. Do đó, trách nhiệm của quận, huyện rất lớn trong việc khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án, lộ trình thực hiện", ông Đường nêu rõ.

Đối với câu hỏi, người dân (chủ nhà) có được chia khoản phí cho thuê vỉa hè không, ông Đường khẳng định, toàn bộ tiền phí thu được sẽ nộp về ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải đảm bảo nguyên tắc chung là ưu tiên mục đích giao thông. Việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần đảm bảo không gây mất trật tự an toàn giao thông; hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5m; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô.

TPHCM làm cách nào tránh xung đột lợi ích khi thu phí vỉa hè, lòng đường? - 2

Việc sử dụng vỉa hè để buôn bán diễn ra thường xuyên tại các quán nhậu trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh (Ảnh: Hải Long).

Phần vỉa hè, lòng đường thu phí phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 11, khóa X, diễn ra ngày 19/9, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, việc thu phí được áp dụng kể từ ngày 1/1/2024.

Mức thu phí đề xuất được chia làm 5 khu vực. Khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Khu vực 2 gồm quận 2 cũ (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.

Khu vực 3 gồm các quận 8, 9 cũ, 12, Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp.

Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi.

Khu vực 5 gồm huyện Cần Giờ.

Về mức phí, Khu vực 1 có mức thu phí cao nhất cho các hoạt động. Trong đó, mức thu phí cho các hoạt động trừ đỗ xe, trông giữ xe là 100.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến đường trung tâm, 50.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến đường còn lại.

Mức thu phí cho hoạt động trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ tại Khu vực 1 là 350.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến đường khu vực trung tâm và 180.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại.

Đối với các khu vực còn lại, mức thu phí cho các hoạt động ngoại trừ trông, giữ xe dao động từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 30.000 đồng/m2/tháng cho khu vực trung tâm và 20.000 đồng/m2/tháng cho các khu vực còn lại. Mức thu phí cho hoạt động trông, giữ xe thu phí dao động từ 50.000 đồng/m2/tháng đến 100.000 đồng/m2/tháng cho tuyến đường khu vực trung tâm và 50.000 đồng/m2/tháng đến 70.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến đường còn lại.