1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM la liệt cầu... sắp sập

(Dân trí) - Sau thông tin dự báo cầu Đồng Nai sắp sập, dư luận cho rằng điều đó không có gì lạ bởi Đồng Nai là “thủ phủ” của những cây cầu hỏng. Nhưng theo một báo cáo của Sở GTCC TPHCM hồi tháng 7, thành phố này có tới 46 chiếc cầu yếu, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

>> Bộ giao thông thờ ơ với cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào

 

Cầu Rạch Chiếc: yếu từ… 10 năm trước

 

Trong số những cây cầu sắp sập, nguy cơ lớn nhất phải kể đến cầu Rạch Chiếc ở quận 2 - được cảnh báo là yếu cách đây 10 năm, được lên kế hoạch xây dựng lại từ thế kỷ trước. Nhưng đến nay mọi kế hoạch, dự án vẫn chưa được khởi công.

 

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn triển khai công nghệ và xây dựng giao thông - đơn vị chịu trách nhiệm lập dự án sửa chữa, gia cường cầu Rạch Chiếc - cây cầu này hiện nay rất yếu, tải trọng chỉ còn khoảng 20 tấn, yêu cầu khoảng cách giữa các xe qua cầu là 30m. 

 

Nhưng cầu Rạch Chiếc nằm trên Xa lộ Hà Nội là một trong hai trục giao thông trọng yếu từ phía Bắc vào TPHCM, với lượng xe ngày đêm nườm nượp ra vào, đăc biệt là tầm từ 8h trở đi. Vào giờ cao điểm, kẹt xe, cứ nửa mét lại có một xe ôtô tải trọng trên 20 tấn, giăng hàng hai trên cầu.

 

Ngày 6/6, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã tổ chức khởi công xây dựng 560m đường trải bê tông nhựa nóng dẫn vào cầu Rạch Chiếc tạm (cầu bằng sắt, đã  xây dựng từ mấy năm nay nhưng chưa sử dụng vì  không có  đường dẫn) với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng. Trong vòng  40 ngày, công trình phải  hoàn thành đưa vào sử dụng để giảm áp lực cho cầu Rạch Chiếc. Nhưng, tính đến ngày 9/8 đã là hơn hai tháng, vẫn chưa thấy miếng nhựa đường nào được trải.

 

Chưa có đường lên cầu tạm, không được giảm tải, không có người gác cầu để hạn tải, nguy cơ sập của cầu Rạch Chiếc ngày càng cao. Khi mà những chiếc xe tải trọng 30- 40 tấn cứ lao qua ầm ầm; khi mà những chiếc xe tải vẫn cứ nối đuôi nhau san sát, chen lấn nhau hàng hai để vượt nhanh qua cầu. Xe nào cũng muốn đi nhanh vì sợ... cầu sập!

 

Cầu nhỏ cũng không tha

 

46 cầu yếu trên địa bàn TPHCM

 

Rạch Chiếc, Mỹ Thuỷ, cầu phao số 11, 13, Ông Cậy (Q.2);

 

Lê Văn Sỹ, Công Lý (Q.3);

 

Nguyễn Kiệu (Q.4);

 

Qưới Đước, Bà Đô (Q.5);

 

Rạch Cát, Kênh Ngang số 3, Ba Đình, Hiệp Ân 1, Nhị Thiên Đường 1 (Q.8);

 

Đồng Tròn, Xây Dựng (Q.9);

 

Phú Long (Q.12);

 

Băng Ky, Bông, Đỏ, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh);

 

Kiệu (Q.Phú Nhuận);

 

An Lộc, Hang Trong, Hang Ngoài (Q.Gò Vấp);

 

Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình);

 

Cầu số 1, 2, 3, Kênh Tân Hoá (Q.Tân Phú);

 

Bà Bộ, Tân Quý, Bà Hom, Bà Lát (H.Bình Chánh);

 

Long Kiển, Rạch Tôm, Rạch Dơi, Phước Lộc (H.Nhà Bè);

 

19 tháng 5 (H.Hóc Môn);

 

Trệt, Trắng, Thai Thai, Tân Thạnh Đông, Láng The, Rạch Tra (H.Củ Chi).

Không nằm ngay trên con đường huyết mạch như cầu Rạch Chiếc, nhưng cầu Đồng Tròn trên đường Nguyễn Xiển, quận 9 cũng thuộc diện có nguy cơ sập. Dù mới được đưa vào sử dụng vài năm nhưng cây cầu này đã được cảnh báo là yếu và hạn tải xuống dưới 13 tấn. 

 

Do nằm sâu trong địa bàn quận 9, ít dân cư nên cũng hiếm thấy bóng dáng CSGT tuần tra. Thế nên việc kiểm soát tải trọng các xe qua cầu là rất khó. Cây cầu này, tuy lưu lượng người dân đi qua ít nhưng hàng ngày lại có hàng trăm lượt xe tải chở đất, gạch, đá đi qua. Chính số xe này đã “cày nát” con đường Nguyễn Xiển, biến nó thành “độc quyền” của xe tải, bởi xe hai bánh không thể đi được.

 

Cầu Phú Long trên đường Hà Huy Giáp, quận 12 lại có một “hoàn cảnh” riêng. Đây chỉ là một cây nhỏ, tải trọng 1 tấn; nhưng từ khi quận 12 phát triển, giao thông kết nối giữa quận 12 và trung tâm thành phố ngày càng nhiều thì áp lực cầu Phú Long phải chịu càng cao.

 

Và còn nhiều, rất nhiều cây cầu nhỏ khác, không thể đáp ứng nổi sự phát triển quá nhanh của thành phố nên xuống cấp nhanh và trầm trọng. Như cầu Bà Hom, Bà Lát trên tỉnh lộ 10 nối TPHCM với Long An; cầu Hang Ngoài ở quận Gò Vấp; cầu Đinh Bộ Lĩnh ở Bình Thạnh;…

 

Trong tháng 5, 6, 7 vừa qua, nhiều cây cầu như Phú Long, Đồng Tròn, Kênh Tân Hóa, Rạch Cát, Kênh Ngang số 3… được khởi công gia cường, xây mới. Nhưng hoàn thiện thì chưa biết đến bao giờ. Chuyện cầu sập đã rất gần, và khi tai họa xảy ra, hậu quả là khôn lường!

 

Bảo đảm an toàn cho cầu Đồng Nai

- nhiệm vụ cấp bách

 

Chiều qua 9/8, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ GTVT, sau khi tiến hành thị sát, kiểm tra hiện trường cầu Đồng Nai, đã gửi báo cáo lên lãnh đạo Bộ GTVT, trong đó ghi rõ: “Cầu đang ở trong tình trạng bình thường”, nhưng “sự nguy hiểm có thể xảy ra khi thường xuyên ùn tắc giao thông trên cầu”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, cầu đường bộ Đồng Nai có thể khai thác bình thường với điều kiện tải trọng như đã quy định. Kết cấu dầm thép cầu chính đang trong tình trạng tốt, không bị gỉ, không hư hỏng,... Dưới đáy bản mặt cầu xuất hiện các vết nứt ngang khoảng cách từ 1-1,5m dọc theo kết cấu nhịp cầu chính. Phía trên mặt cầu cũng có những vết nứt này nhưng không phát triển thêm từ hơn 7 năm nay.

 

Tuy nhiên, mối nguy hiểm sẽ thực sự xảy đến nếu cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra trên mặt cầu và lượng xe tải qua cầu quá nhiều.

 

Trên thực tế, theo số liệu đếm xe của Khu quản lý đường bộ 7, hiện tại lượng xe bình quân qua cầu một ngày đêm là gần 44.000 ôtô các loại, 86.000 mô tô, vượt quá nhiều lần khả năng chịu đựng của cây cầu.

 

Việc bảo đảm an toàn cho cây cầu “nóng” nhất Việt Nam này là việc làm cấp bách nhất hiện nay.

 

Về những giải pháp trước mắt tránh để xảy ra nguy hiểm cho cầu Đồng Nai, có ý kiến đề xuất xây dựng cầu phao. Nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Long, giải pháp này không khả thi. Đoàn công tác đặc biệt của Bộ GTVT kiến nghị Bộ GTVT giao cho Khu quản lý đường bộ 7 phối hợp với UBND, Sở GTVT, CSGT các tỉnh có liên quan thực hiện ngay các giải pháp chống ùn tắc, ngăn chặn xe quá tải lưu thông trên cầu.

 

Đề xuất lập dự án xây dựng bến phà, trạm cân để kiểm soát và phục vụ lưu thông các xe nặng trên trục QL 1A. Việc nâng cấp, cải tạo cầu Đồng Nai hiện tại có thể được tiến hành đồng thời với Dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và có thể hoàn thành trước khi cầu mới được xây xong.

 

Tùng Nguyên - Phúc Hưng