TPHCM không thể giãn cách, gỡ bỏ rồi lại giãn cách
(Dân trí) - "Các chủ trương, chính sách cần dựa trên căn cứ khoa học, mang tính khả thi cao. Không thể cứ giãn cách, gỡ bỏ rồi lại giãn cách nhiều lần trên phạm vi lớn" - ông Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.
Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thực hiện buổi giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.
Tại hội nghị, các đại biểu thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố đã đóng góp những ý kiến, giải pháp cụ thể cho thành phố trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới. Trong đó, hầu hết các đại biểu cùng chung ý kiến, trước mắt, thành phố cần nâng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cùng những biện pháp, định hướng lâu dài để phục hồi, phát triển kinh tế.
Vì sao số ca mắc Covid-19 giảm?
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá, trong vòng một tháng qua, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM đã giảm mạnh. Theo ông Nhân, việc giảm trên đến từ 2 nguyên nhân nổi bật.
"Nguyên nhân đầu tiên là việc giãn cách xã hội kéo dài đã phát huy hiệu quả trong ngăn chặn lây lan Covid-19. Bên cạnh đó, TPHCM có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao, với hơn 98% dân số được tiêm mũi một và hơn 72% người đã được tiêm mũi 2", ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Trong các chỉ số trên, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, chỉ số 72% người được tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 2 là một chỉ số đặc biệt quan trọng. Ông kiến nghị, trong tháng 11, thành phố cần nâng tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 lên 90%.
"Chúng ta có đủ vaccine để đạt mục tiêu này. Khi đã bao phủ tỷ lệ vaccine Covid-19 mũi 2 lên 90%, chúng ta sẽ an tâm hơn trong thời gian tới", ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt vấn đề, đến nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, thế nào là một thành phố, một tỉnh kiểm soát được Covid-19. Trước khi có hướng dẫn cụ thể đó, ông đề xuất, TPHCM có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
"Theo tiêu chuẩn quốc tế, trạng thái bình thường mới là một ngày không quá 5 ca nhiễm mới/100.000 dân. Lúc đó, sự lây nhiễm vẫn còn nhưng không gọi là dịch, từ con số trên, TPHCM có thể vận dụng để đánh giá toàn địa bàn và các quận, huyện", ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn lớn trong duy trì hoạt động khi người lao động bỏ về quê. Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM kiến nghị, thành phố cùng các hiệp hội doanh nghiệp cần sớm lên danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ và phương thức hỗ trợ phù hợp.
"Các biện pháp hỗ trợ có thể áp dụng như hỗ trợ về vốn, giãn tiền thuê đất. Tôi kiến nghị giãn tiền thuê đất đến tháng 6 cho các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động", ông Nguyễn Thiện Nhân góp ý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu ý kiến, Chính phủ cần chịu trách nhiệm trong các chi phí phòng, chống dịch bao gồm tiêm chủng vaccine Covid-19, xét nghiệm. Ông nhấn mạnh, hiện tại, với việc xét nghiệm định kỳ 3-5 ngày một lần, các doanh nghiệp với hàng nghìn, hàng vạn công nhân đang gánh phần chi phí rất nặng nề.
Ngoài ra, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, TPHCM cần xem xét, tính toán kỹ vấn đề ngân sách. Hiện tại, mục tiêu của TPHCM là đạt mức tăng trưởng 6%, tuy nhiên theo dự kiến, tăng trưởng của TPHCM sẽ âm 5%.
"Chúng ta luôn phấn đấu hết khả năng để hoàn thành nghĩa vụ ngân sách cho Trung ương. Tuy nhiên, thành phố cần tính toán kỹ để phấn đấu đúng mức, tránh việc không đạt mục tiêu", ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận.
Không thể giãn cách, gỡ bỏ rồi lại giãn cách
Tại hội nghị, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TPHCM, nhìn nhận, trong suốt quá trình phòng, chống dịch, thành phố đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn những tồn tại. Trong thời gian tới, thành phố và cả nước cần xây dựng và ban hành các chiến lược để quay về trạng thái bình thường mới đối với từng ngành nghề, lĩnh vực.
"Cần có chiến lược bởi, đại dịch đã buộc toàn thế giới phải chuyển sang phương thức sống, làm việc khác với trước đây. Đây là điều bắt buộc đối với toàn cầu, được xây dựng dựa trên những tiêu chí cụ thể", luật sư Trương Trọng Nghĩa đánh giá.
Trong chiến lược ấy, việc phòng, chống dịch, tổ chức cuộc sống, hoạt động, áp dụng hoặc tháo gỡ việc giãn cách, phong tỏa cần những tầm nhìn, kế hoạch dài hạn. Ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những phần việc nói trên không thể được thực hiện chỉ dựa trên tầm nhìn ngắn hạn hay do các áp lực xã hội.
"Các chủ trương, chính sách cần dựa trên căn cứ khoa học, mang tính khả thi cao. Không thể cứ giãn cách, gỡ bỏ rồi lại giãn cách nhiều lần trên phạm vi lớn. Tình trạng trên ngoài ảnh hưởng đến đời sống người dân còn khiến mất đi tính ổn định, bền vững, giảm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định.
Đại biểu Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đánh giá, đợt bùng phát dịch vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề mà TPHCM cần khắc phục. Cụ thể, vị đại biểu này cho biết, qua thống kê, số bệnh nhân Covid-19 tử vong thời gian qua phần lớn là người có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, béo phì.
"Vấn đề này một phần liên quan đến chế độ ăn uống, nhưng cũng một phần liên quan đến luyện tập, thể chất. Về dài hạn, thành phố cần có chính sách đột phá về giáo dục thể chất, kỹ năng cho các em học sinh", ông Vũ Hải Quân hiến kế.
Ngoài ra, việc thực hiện giảng dạy trực tuyến tại TPHCM cũng phát sinh nhiều bất cập liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm. Tính hiệu quả của việc học online cũng còn là dấu hỏi lớn.
Thực trạng đó đặt ra cho thành phố yêu cầu quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho các thầy, cô khi giảng, dạy trực tuyến. Lâu dài, thành phố cần xây dựng kịch bản xử lý khi có F0 tại trường học, tránh việc phải đóng cửa toàn bộ.
Đại biểu Vũ Hải Quân cũng kiến nghị về chính sách bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ quản lý tại cơ sở. Theo ông, tỷ lệ y, bác sĩ trên dân số tại TPHCM và cả nước còn ở mức thấp.
Ngoài ra, đội ngũ quản lý cấp cơ sở cần được bồi dưỡng kỹ năng về việc ra quyết định nhanh dựa trên thực tế và lượng dữ liệu lớn.