1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM khởi công nhiều công trình mừng 40 năm thống nhất đất nước

(Dân trí) - Cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nâng cấp đường Lương Định Của và đường Trần Não,… là những công trình trọng điểm sẽ được TPHCM khởi công trong thời gian tới.

Dự án cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp có hình chữ Y (tương tự với cầu vượt thép tại bùng binh Cây Gõ) với nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm dài 234m, rộng 6m và nhánh rẽ theo hướng đường  Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m.

TPHCM khởi công nhiều công trình mừng 40 năm thống nhất đất nước
Cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp sẽ có hình dạng chữ Y, tương tực cầu vượt tại bùng binh Cây Gõ (ảnh Đình Thảo)

Dự kiến Dự án này sẽ khởi công trong tháng 4/2015 và hoàn thành thi công sau 7 tháng. Theo tính toán của Sở GTVT TP, khi cầu vượt được đưa vào sử dụng sẽ giảm kẹt xe 80% ở giao lộ này.

Trong khi đó, 2 tuyến đường quan trọng ở quận 2 sẽ được khởi công trong tháng 4 là nâng cấp đường Lương Định Của và đường Trần Não. Hai tuyến này trong tương lai cùng với 4 trục đường chính của Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ những tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm thành phố với trung tâm thương mại – tài chính Thủ Thiêm.

Đường Lương Định Của là tuyến kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Đại lộ Đông – Tây, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy là tuyến đường quan trọng, nhưng hiện nay đường Lương Định Của chỉ rộng từ 6 – 7m nên thường xuyên xảy ra ùn tắc nhất là khi lưu thông vào giờ cao điểm.

Một dự án quan trọng về y tế sắp được khởi công là Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với tổng vốn đầu tư 5.845 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào năm 2017. Dự án này xây dựng trên khu đất rộng 55 ha (tại phường Tân Phú quận 9).

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường bệnh, được thiết kế với đầy đủ các khu khám chữa bệnh ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, khu hành chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ. Hệ thống trang thiết bị hiện đại sẽ được đầu tư hoàn chỉnh để phục vụ người bệnh tốt nhất.

Theo thiết kế bệnh viện có chiều cao 43m với khối đế 3 tầng, 2 khối tháp cao 6 tầng; ngoài ra còn có 2 tầng hầm, tầng kỹ thuật. Ngoài khu chức năng, trên mỗi mái tháp đều có sân đậu trực thăng phục vụ việc tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu, chuyển viện trong nước và quốc tế.

Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được xây dựng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (quận 9). Đền thờ được xây dựng trên khu đất rộng 6.000m2, với tổng mức đầu tư gần 55 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định vào năm 1698.

TPHCM khởi công nhiều công trình mừng 40 năm thống nhất đất nước
Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù Lao Phố được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII (ảnh Báo Đồng Nai)

Vào tháng 2 năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu phong Thống suất, kinh lược xứ Đồng Nai. Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù Lao Phố, là một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ. 

Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lập Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên. Đồng thời, lấy đất Sài Gòn dựng huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh (tức Quảng Bình ngày nay) trở vô, đến ở khắp nơi, lập ra các đơn vị hành chính, phân chia ruộng đất, chuẩn định thuế định, điền và lập bộ tịch đinh đinh điền.

Nguyễn Hữu Cảnh đã đặt nền móng vững chắc phát triển vùng đất phía Nam, kể từ đó miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ nước ta.

Tượng đài “Asean Hòa bình – Hợp tác – Phát triển”, dự kiến được xây dựng tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đề thể hiện sự hợp tác, phát triển vì hòa bình của 11 thành viên khối ASEAN trong đó có Việt Nam.

Quốc Anh