1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM gặp khó khăn khi giảm gần 2.300 cán bộ

(Dân trí) - Thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 34 của Chính phủ, TPHCM sẽ dôi dư 2.299 người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn, trong khi khối lượng công việc rất lớn.

Cắt giảm cán bộ không chuyên trách từ 30-40%

Tại phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX sáng 10/7, nhiều đại biểu quan tâm đến tờ trình của UBND TPHCM về quy định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn.

TPHCM gặp khó khăn khi giảm gần 2.300 cán bộ - 1

Đại biểu HĐND TPHCM băn khoăn vì cắt giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn sẽ khiến áp lực công việc nặng nề và không đảm bảo vì dân số đông

Theo đó, tới đây TPHCM sẽ giảm 2.299 người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn (từ 6.787 người xuống 4.368 người). 

Theo Nghị định 34 của Chính phủ, những đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn loại 1 sẽ giảm từ 22 xuống còn 14 người. Còn đơn vị loại 2 giảm từ 20 xuống còn 12 người và đơn vị loại 3 giảm từ 19 xuống 10 người.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung băn khoăn về việc hoàn thành khối lượng công việc, thủ tục hành chính ở địa phương, nhất là ở các xã, phường có đông dân cư. 

Bà Dung dẫn chứng như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có tới gần 170.000 người dân, cán bộ không chuyên trách là 56 người, nếu áp dụng Nghị định 34 có nghĩa là chỉ còn 14 cán bộ thì số dôi dư ra là 42 cán bộ. 

TPHCM gặp khó khăn khi giảm gần 2.300 cán bộ - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất bổ sung thêm cán bộ chuyên trách đối với địa phương dân số đông để đảm bảo công việc

Nếu theo Nghị định 34 thì có 14 cán bộ không chuyên trách ở 13 chức danh. Từ đó, đại biểu Kim Dung đề xuất UBND TP đề xuất Trung ương xem xét lại. 

Theo đó, nếu phường, xã nào dưới 30.000 dân thì áp dụng đúng theo Nghị định 34, còn phường xã nào cao hơn con số này 5.000 dân trở lên thì bố trí riêng 1 cán bộ chuyên trách để giải quyết khối lượng công việc rất lớn ở phường, xã hiện nay. 

"Với số lượng cán bộ không chuyên trách giảm như thế thì công việc sẽ khó giải quyết, nên đề xuất cứ tăng thêm 5.000 dân thì thêm 1 cán bộ. Nếu tính ra số tăng này không nhiều nhưng cũng đáp ứng được cho công việc ở phường xã thị trấn hiện nay", bà Dung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng cơ sở hiện nay rất khó khăn, nếu cắt giảm đột ngột cán bộ không chuyên trách từ 30-40% thì sẽ ảnh hưởng đến công việc tại các xã, phường, thị trấn. 

"Hiện nay và càng về sau thì khối lượng công việc và yêu cầu chất lượng công việc tại xã, phường, thị trấn rất nặng nề", bà Ý băn khoăn.

Do đó, đại biểu Như Ý mong UBND TP quan tâm và chia sẻ nhiều hơn đối với cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn.

TPHCM gặp khó khăn khi giảm gần 2.300 cán bộ - 3

Nếu HĐND TPHCM thông qua tờ trình của UBND TPHCM thì đến cuối năm các địa phương phải sắp xếp cắt giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Đặng Hà Tuyên cho rằng, riêng quận Bình Tân, hiện nay đã có gần 800.000 nhân khẩu, trong đó phường Bình Hưng Hòa A có đến hơn 126.000 dân.

Theo bà Tuyên, với số dân đó thì phường Bình Hưng Hòa A cần có 65 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách để đảm đương. Điều này cho thấy áp lực với mỗi cán bộ là rất lớn. 

Nếu theo Nghị định 34 thì số cán bộ của phường phải giảm gần phân nửa, xuống còn 37 người. Nếu được HĐND TP thông qua tờ trình của UBND TP thì chỉ còn gần một tháng nữa sẽ áp dụng, như vậy là rất áp lực. 

"Chúng ta phải giải quyết việc làm đối với số lượng cán bộ dôi dư. Trong khi đó với số cán bộ còn lại thì khó đảm đương công việc”, bà Tuyên nói.

Từ đó, bà Tuyên đề nghị UBND TP xem xét, nên có chỉ đạo, giao cho UBND quận, huyện xây dựng lộ trình thực hiện. Vì nếu giảm đột ngột sẽ gây khó cho địa phương. 

Đồng thời, phải cho địa phương chủ động, có thời gian bố trí sắp xếp cho phù hợp thực tế mỗi quận, huyện. 

Tìm cơ chế phù hợp để giải quyết công việc ở cơ sở

Tại phiên thảo luận hội trường, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - thừa nhận cũng rất lo lắng về việc cắt giảm cán bộ theo Nghị định 34.

"Vì vậy, Sở Nội vụ cũng lấy ý kiến các sở, ngành và xin ý kiến Bộ Nội vụ. Thành phố cũng kiến nghị nhiều lần nhưng Trung ương giải thích lại là yếu tố dân số là tiêu chí xác định phường, xã. Đông dân là yếu tố phân loại chứ không cho phép thực hiện như là đề xuất của đại biểu Kim Dung", ông Lắm nói.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, mới đây Kiểm toán Nhà nước có làm việc TPHCM và đi xuống một số quận, huyện. Sau đó, kiến nghị UBND TPHCM sớm điều chỉnh quyết định 59 trước đây thực hiện theo Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM năm 2010. 

Kỳ này nếu được HĐND TPHCM thông qua tờ trình thì UBND TP sẽ ban hành quyết định mới, đáp ứng yêu cầu của kiểm toán Nhà nước.

"Về khó khăn ở cơ sở các cơ quan chức năng thấu hiểu nhưng về nguyên tắc thì phải chấp hành theo pháp luật. Những vấn đề đặc thù thì phải kiến nghị và nếu được chấp thuận thì triển khai thực hiện. Sở cũng tham mưu cho UBND TP và kiến nghị Bộ Nội vụ", ông Lắm nói.

Về cơ chế giải quyết công việc ở cơ sở như thế nào, ông Lắm cho biết tùy theo quy mô và khối lượng công việc mà tính toán lại cho phù hợp.

"Những công việc có tính thời vụ, đột xuất thì ký hợp đồng thêm người để làm. Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: những công tác chuyên môn nghiệp vụ thì không được ký hợp đồng lao động", Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Về thời điểm thực hiện, ông Lắm cho biết, UBND TPHCM cũng kiến nghị Trung ương hết năm 2020 mới triển khai theo Nghị định 34 nhưng các bộ, ngành không có ý kiến gì. Do đó, ông đề nghị các địa phương đến cuối năm phải sắp xếp cán bộ không chuyên trách đúng theo Nghị quyết của HĐND TP và Nghị định 34. 

Quốc Anh