1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM dựng tượng đài Bác Hồ cao 7,2m

(Dân trí) - “Tượng Bác phải thật sự đẹp, sinh động, tự nhiên, tư thế vững chắc, khỏe khoắn và giống Bác; phản ánh được thần thái ung dung, phúc hậu, nhân từ và tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam”, Thành ủy TPHCM thống nhất về mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ.

Người dân thành phố tham quan, đóng góp ý kiến về mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ
Người dân thành phố tham quan, đóng góp ý kiến về mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ

Vừa qua, Ban thường vụ Thành ủy TPHCM đã có cuộc họp lắng nghe ý kiến đóng góp của Hội đồng nghệ thuật, Bộ, ngành Trung ương và thống nhất về mẫu phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, về phương án xây dựng tượng Bác, thống nhất chọn màu đá phần bệ tượng đài Bác và bậc đá xung quanh bệ tượng là màu xám ghi, hoặc bậc đá xung quanh bệ tượng có màu sẫm hơn (theo màu thể hiện trong công trình mô phỏng công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bộ Tư lệnh TP).

Thiết kế lại bậc cấp lên đài gồm 5 bậc cấp, độ cao mỗi bậc là 9cm và có chiều rộng hợp lý; hồ sen bao quanh 3 mặt trái, phải, phía sau tượng đài. Phía sau tượng đài Bác trồng cây đại hoa trắng có độ cao ngang bệ tượng; chọn mẫu đá hồng Phan Thiết lát nền công viên quảng trường và đá tím, đá xanh Đơn Dương lát nền đường Nguyễn Huệ. Thiết kế bồn hoa trồng xung quanh tượng Bác với thiếu nhi TP. Đo đạc và thiết kế hợp lý khoảng cách từ vị trí tâm tương đài Bác đến các hàng cây hai bên và phía sau vị trí đặt tượng.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh lại cảnh quan công trình mô phỏng Công viên tượng đài Bác Hồ theo đúng thực tế, hoàn thành trong tháng 11, cùng lúc với thời gian hoàn chỉnh tượng đài Bác Hồ để tiếp tục nghe ý kiến đóng góp của Hội đồng nghệ thuật, các bộ ngành Trung ương và phía thành phố để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm trước khi mẫu tượng Bác được phóng thành thật.

Được biết, tượng đài Bác Hồ do nhà họa sĩ, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới thực hiện sẽ được đặt tại công viên trước trụ sở UBND TPHCM. Công trình tượng đài Bác Hồ có chiều cao 7,2m, trong đó phần thân tượng cao 4,5m, phần đế 0,9m và phần đài 1,8m.

Trước đó, khi chuẩn bị xây dựng tượng đài Bác Hồ, thành phố đã kêu gọi ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ và người dân… Theo thống kê, đã có hơn 3.200 ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm.

Trong một diễn biến khác, UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh chọn cây dầu lớn (cao từ 12 – 15m) để trồng hai bên vỉa hè đường Nguyễn Huệ (từ đường Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng).

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã thống  nhất chọn cây Lộc vừng thay cho cây Lim Sét (phương án trước đó) trồng trên hai dãy phân cách trước quảng trường. Đồng thời, nghiên cứu chọn cây lớn, có độ phân cành tối thiểu 2,5m, nhằm tạo cảnh quan tự nhiên, mềm mại và đảm bảo hài hòa tổng quan kiến trúc khu vực.

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ đã được thông qua với chiều dài 670m, chiều rộng 64m. Các hạng mục xây dựng chính gồm nâng cấp, cải tạo mặt đường và vìa hè hiện hữu bằng lát đá tự nhiên thành quảng trường đi bộ, xây dựng lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đài phun nước; xây dựng trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước,… với tổng kinh phí 428 tỷ đồng.

TPHCM đang phấn đấu để hoàn thành dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ đồng bộ với việc xây mới tượng đài Bác vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và chào mừng 125 năm ngày sinh Bác Hồ.

Quốc Anh