1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Chuyện kể về bức tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên

(Dân trí) - Hơn một năm sau ngày Bác mất, nhà điêu khắc Lê Qùy đã nảy ra ý tưởng đúc tượng Bác Hồ bằng đồng. Chỉ sau hai tháng miệt mài, các nghệ nhân làng Chè Đông đã cho ra đời tác phẩm.

Làng Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa là ngôi làng nổi tiếng với nghề đúc đồng từ thời Lý. Vì thế ngay khi ý tưởng của nhà điêu khắc Lê Qùy được khởi xướng, huyện đã chọn làng Chè Đông là nơi thực hiện sứ mệnh vinh dự là đúc tượng lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Cụ Nguyễn Văn Mơi, một trong những người tham gia đúc tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên.
Cụ Nguyễn Văn Mơi, một trong những người tham gia đúc tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên.

Chúng tôi trở về làng Chè Đông để ghi lại câu chuyện về sự ra đời của pho tượng Bác Hồ đúc bằng đồng ngày 6/6/1970, dưới bàn tay và công sức của nhân dân nơi đây. Những người tham gia đúc tượng Bác Hồ ngày ấy chỉ còn lại vài cụ. Các cụ giờ đây cũng đã ngoài 80 tuổi cả rồi, thế nhưng khi kể về những ngày tháng làm tượng Bác, cụ Nguyễn Văn Mơi (86 tuổi) vẫn nhớ như in như mới chỉ diễn ra hôm qua. Thời bấy giờ cụ Mơi đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã, cụ cũng chính là người vinh dự cùng tham gia đúc tượng Bác.

Theo lời cụ Mơi kể thì nhân dân coi việc đúc tượng Bác là niềm tự hào, vinh hạnh lớn đối với họ nên ngay từ khi phát động việc quyên góp đồng để đúc tượng Bác Hồ, bà con đã ùn ùn kéo tới, người chiếc mâm, người cái nồi, bát…chẳng mấy chốc lượng đồng không những đủ mà còn dư rất nhiều.

Sau khi đã kêu gọi đủ số đồng, cán bộ Đảng viên trong xã đã họp lại và mời đồng chí Đặng Ích Bích và Lê Văn Duân chủ trì đảm nhiệm trọng trách chính cùng với hơn 20 nghệ nhân khác nữa sẽ tham gia đúc tượng Bác. Khó khăn nhất là chưa có nơi nào đúc tượng Bác để có phiên bản nghiên cứu, cuối cùng nhà điêu khắc Lê Qùy được phân công chịu trách nhiệm việc phác họa hình ảnh Bác Hồ.

 Bức tượng Bác nặng 3,7 tạ, cao 1,3m.
 Bức tượng Bác nặng 3,7 tạ, cao 1,3m.

Việc phác họa hình ảnh Bác được hoàn thành thì mọi người bắt tay vào việc lên khuôn đúc. Khâu này đòi hỏi kỹ thuật khá cao, phải chọn được thứ đất làm sao cho phù hợp, mất nhiều thời gian và công sức. Xong khuôn đúc là bắt đầu cho việc đổ đồng để đúc. Các nghệ nhân vào các vị trí được phân công của mình, 8 lò đúc, mỗi lò 3 nghệ nhân: 2 nghệ nhân thổi còn 1 nghệ nhân đổ đồng. Các lò bắt đầu nổi lửa cùng lúc, hơn 1 tiếng đồng hồ đồng bắt đầu chảy ra, các nghệ nhân gạt xỉ nổi lên bề mặt sau đó được sự phân công của thợ cả, đồng được rót vào liên hoàn cho đến khi đầy khuôn.

Các nghệ nhân miệt mài làm ròng rã cả ngày lẫn đêm dồn tất cả tình cảm và tâm huyết của mình vào bức tượng chân dung Bác mà quên hết mọi mệt mỏi, khó nhọc. Hơn 2 tháng, kiệt tác về bức tượng Bác đã được hoàn thành trong sự mong đợi của nhân dân.

Bức tượng Bác Hồ thành công trong niềm hạnh phúc của các nghệ nhân và sự vui sướng hân hoan vô bờ của người dân trong xã.

Cùng là người tham gia trong việc đúc nên bức tượng Bác, cụ Mơi hết sức xúc động khi nghĩ về giây phút hạnh phúc đó, cụ cho biết: “Cả tổ nghệ nhân lúc đó khoảng hơn hai chục người với 8 lò nấu đồng, tôi phụ trách lò số 6. Cái khó thời bấy giờ là tất cả mọi thứ đều làm bằng thủ công, lò thổi bằng bể chứ không như bây giờ dùng quạt máy vì thế phải cố gắng làm sao để đồng không bị khê, phải lọc đồng bằng tro cho đồng được tinh khiết. Các động tác phải nhịp nhàng ăn khớp, khi đổ đồng phải đổ liên tục. Chỉ cần làm sai một vài quy trình và động tác thì bức tượng sẽ bị thất bại, không những thế có thể gây cháy bỏng vì thế tất cả mọi người ai cũng cố gắng tập trung để bức tượng bác hoàn thành bức tượng Bác một cách hoàn hảo nhất”.

“Những ngày làm tượng bác lúc nào người dân cũng tập trung rất đông để giúp sức, buổi tối thì mọi người quây quần lại chuyện trò và cổ vũ đội nghệ nhân làm việc nên không khí những ngày đó trong làng lúc nào cũng như vui hội. Ai nấy đều rất phấn khởi mong chờ ngày được nhìn thấy bức tượng Bác Hồ được làm nên bằng tâm huyết, công sức, bàn tay của nhân dân làng Chè Đông. Ngay cả bản thân chúng tôi những người trực tiếp tham gia đúc tượng Bác cũng rất háo hức chờ đợi cái giây phút hoàn thiện thành quả của mình. Chính vì thế mà chẳng ai bảo ai đều cố gắng hết mình, làm cẩn thận và hoàn chỉnh từng chi tiết”, cụ Mơi cho biết thêm.

 Bức tượng Bác nặng 3,7 tạ, cao 1,3m.
 Bức tượng Bác Hồ thể hiện tấm lòng tôn kính của nhân dân đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Những năm đó, huyện Thiệu Hóa chưa được hình thành mà 15 xã bên này gọi là Thiệu Yên thì thuộc huyện Yên Định còn nửa kia gọi là Đông Thiệu thuộc huyện Đông Sơn. Vì thế sau khi bức tượng được hoàn thành đã được đưa lên huyện Yên Định trưng bày suốt hơn 20 năm; cho đến năm 1997 thành lập huyện Thiệu Hóa, lãnh đạo ở đây mới lên Yên Định xin được nhận lại bức tượng bác Hồ, thành quả của nhân dân Thiệu Trung.

Vào năm 1998, nhân dân xã Thiệu Trung đã xin mang tượng Bác về làm mẫu đúc một bức tượng giống hệt bức tượng cũ đặt ở hội trường xã đánh dấu một sự kiện lịch sử để con cháu trên mảnh đất này đời đời không quên trên quê hương Thiệu Trung, bức tượng Bác Hồ bằng đồng được ra đời lần đầu tiên.

Ông Lê Duy Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thiệu Hóa cho biết: “Bức tượng đồng Bác Hồ được các nghệ nhân của xã Thiệu Trung đúc năm 1970 có chiều cao 1,3m, nặng 3,7 tạ đồng. Hiện nay đang được lưu giữ và trưng bày tại nhà truyền thống của huyện. Đây được coi tấm lòng thành kính của nhân dân đối với vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam”.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên