1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Pho tượng Bác Hồ trên Đồi 79 Mùa xuân

(Dân trí) - Tròn 40 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh yên giấc ngàn thu, nhưng câu chuyện về pho tượng đồng Bác Hồ trên Đồi 79 Mùa xuân (Mê Linh, Hà Nội) vẫn được nhân dân nơi đây truyền tụng như một thánh tích.

Pho tượng Bác Hồ trên Đồi 79 Mùa xuân  - 1

Pho tượng Bác Hồ trên Đồi 79 Mùa xuân (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
 
Ông Trần Gia Nho, 82 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lãng (cũ), sau này sáp nhập vào huyện Mê Linh (Hà Nội) nhớ lại: Năm 1969, Bác Hồ mất, Đảng và Nhà nước phát động phong trào trồng cây nhớ Bác, nhân dân Yên Lãng tham gia rất tích cực và đã trồng được hàng vạn cây xanh. Nhưng mong muốn của dân phản ánh với lãnh đạo huyện là: trồng cây nhớ Bác, cây sống lắm cũng chỉ trăm năm; còn lấy cái gì làm vật chủ để dân nhớ Bác lâu dài, mãi mãi, trường tồn thì ý dân đề nghị huyện tổ chức vận động làm Tượng đài Bác Hồ và đúc bằng đồng.

 

Các bậc cao niên xúc động kể: dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nghe huyện phát động đúc tượng Bác, bà con ai nấy đều phấn khởi. Chỉ hơn 10 ngày, người dân đã góp hàng tấn đồng, toàn là đồng sạch, đồng quý như: hạc, đỉnh, lư hương, chân nến đồng… và cả một quả chuông từ thời Tự Đức, để đúc tượng Bác thật đẹp, thật trong sạch.

 

Ngày 19/5/1971, khi đưa “Cụ” về (tức tượng Bác Hồ), trời mưa rất to, hàng nghìn người dân vẫn đứng chật hai bên đường, đón đưa tượng Bác lên đồi. Đồi lúc này trồng toàn thông, phi lao và 79 loại cây ăn quả (bưởi, cam, quýt, chanh…) và để nhớ Bác, dân đã đặt tên là Đồi 79 Mùa xuân…

 

Trở lại Mê Linh những ngày tháng 8/2009, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi Đồi 79 Mùa xuân và pho tượng đồng Bác Hồ năm xưa giờ đã được tôn tạo khang trang, trở thành điểm nhấn trung tâm của Dự án Khu du lịch 79 Mùa xuân rộng gần 100 héc-ta do Công ty Cổ phần đầu tư và du lịch An Phát làm chủ đầu tư. Đây cũng là điểm sinh hoạt truyền thống, tưởng nhớ Bác của nhân dân địa phương và là nơi dừng chân của không ít du khách gần xa muốn tỏ lòng tôn kính với lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, hồ sơ khu di tích Đồi 79 Mùa xuân và pho tượng Bác đang được hoàn thiện đề nghị công nhận là Di tích Quốc gia.

 

Ông Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Ban quản lý Dự án dẫn chúng tôi lên chiêm bái tượng đài Bác Hồ nằm ở vị trí tôn nghiêm trên đỉnh đồi. Đường lên gồm 79 bậc thang lát gạch sạch sẽ (tượng trưng cho tuổi thọ của Bác), nằm giữa muôn ngàn cây lá tốt tuơi, trong đó có không ít loài cây mang về từ Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Inđônêxia. Pho tượng Bác bằng đồng trong tư thế đứng, chân mang dép cao su, tay chỉ về Nam được đặt trang trọng trên đỉnh đồi. Bên trên pho tượng có mái che, phía trước là lư hương lớn, một lọ hoa bằng đá xanh xám ôm lấy những bông hồng đỏ thắm; phía sau là hồ sen nhân tạo với những đoá sen trắng xen giữa lá xanh, được thiết kế khéo léo. Ông Vượng bảo, pho tượng Bác ở giữa đất trời, nhưng điều kỳ lạ vẫn được mọi người truyền tụng là không hề bám bụi, có thể do kỹ thuật làm tượng, vật liệu đúc tượng thanh sạch khiến bề mặt tượng luôn nhẵn bóng và có thể cả yếu tố tâm linh nữa.

 

Bà Phan Thúy Mai, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cho biết, tuy bản thân ở miền Nam, Công ty cũng ở miền Nam, nhưng một trong những lý do để bà ra Hà Nội đầu tư Dự án này là do trước kia, khi học Đại học Tài chính ở Phúc Yên, mỗi lần qua đây, Tượng đài Bác gây cho bà cảm xúc sâu sắc. “Để tỏ lòng biết ơn Bác, tôi mong muốn xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái, quần thể văn hoá tâm linh, để với một đô thị Mê Linh phát triển, phục vụ được đông đảo bà con nhân dân lao động và các doanh nghiệp ở Mê Linh và Thủ đô Hà Nội. Sau những giờ lao động mệt mỏi, họ có những giây phút thư giãn, hướng về Bác, hướng về cội nguồn, trân trọng những công lao to lớn của Bác với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam”, bà nói.

 

Hồng Hạnh

 TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm