1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Đưa những hộ nghèo sống nhờ vỉa hè Quận 1 vào “phố hàng rong”

(Dân trí) - Một phần vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và phía trong công viên Bách Tùng Diệp (ngã tư Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa) sẽ được tạm sử dụng để tập trung những hộ khó khăn kinh doanh bám theo vỉa hè trên địa bàn quận 1 (TPHCM).

Chiều 20/3, Chủ tịch UBND Quận 1 Trần Thế Thuận báo cáo lãnh đạo TPHCM về đề án “khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường Quận 1” mà ông gọi với tên gần gũi là “phố hàng rong”.


Chủ tịch UBND Quận 1 Trần Thế Thuận

Chủ tịch UBND Quận 1 Trần Thế Thuận

Theo ông Thuận, việc tổ chức lại cuộc sống cho người lao động trên vỉa hè sau khi quận lập lại trật tự đô thị là hết sức quan trọng. Ông cho biết, quận sẽ tiếp tục vận động các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè cam kết không tái phạm.

Chủ tịch quận cho biết, giai đoạn đầu thí điểm quận sẽ tổ chức khoảng 100 hộ dân có hộ khẩu thường trú tại Quận 1 đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè thuộc địa bàn quận.

UBND Quận 1 đề xuất 3 điểm tổ chức “phố hàng rong” là vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiếm, bên trong công viên Bách Tùng Diệp và vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh.

Phối cảnh phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm
Phối cảnh "phố hàng rong" Nguyễn Văn Chiêm

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đồng ý cho quận tổ chức thí điểm ở tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. Theo ông, vỉa hè tuyến đường Chu Mạnh Trinh có thảm cỏ xanh rất đẹp, nếu cho buôn bán thì sẽ phá nát cảnh quan nơi đây.

Theo báo cáo của Quận 1, với 2 địa điểm còn lại thì có khoảng 35 hộ kinh doanh, trong đó vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm là 20 hộ. Các quầy hàng sẽ mở bán theo 2 khung giờ, từ 6-9 giờ sáng và từ 11-13 giờ trưa.

Về hình thức hoạt động, các hộ sẽ vận chuyển thực phẩm đã được chế biến sẵn tại nhà, đến vị trí được bố trí hợp lý. Bàn ghế sẽ được đơn vị tài trợ trang bị theo mẫu thống nhất, đảm bảo mỹ quan, phù hợp với cảnh quan. Bàn ghế quán ăn sẽ tập trung tại một khu vực để khách đến ăn, uống có thể sử dụng chung nhằm khai thác tối đa diện tích.

Ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu tổ chức buôn bán phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trang phục buôn bán phù hợp và không để xảy ra ùn tắc giao thông,... Đối với đường Nguyễn Văn Chiêm, ông gợi ý không nên đặt bàn ghế mà chỉ cho người tiêu dùng mua mang về. Điều này sẽ giúp tăng số hộ kinh doanh và giúp người mua có nhiều lựa chọn.

Phó Chủ tịch thành phố lưu ý, việc kinh doanh phải đăng ký mã số thuế để đảm bảo công tác quản lý. Giai đoạn đầu, chính quyền quận có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như miễn, giảm thuế, cung cấp trang thiết bị dựng quầy, nơi gửi bàn ghế…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến

Cho rằng việc tổ chức lại cuộc sống cho người dân là rất quan trọng song ông Tuyến cho rằng, việc bố trí buôn bán vỉa hè chỉ là tạm thời, giải quyết vấn đề trước mắt cho người nghèo. Về lâu dài, chính quyền phải bố trí địa điểm phù hợp để tập trung “những thương hiệu vỉa hè” vào kinh doanh, việc này cũng phục vụ phát triển du lịch.

Ông Tuyến cũng đề nghị Quận 1 nghiên cứu các trường hợp người dân có các quầy hàng lâu năm buôn bán trên vỉa hè, sắp xếp cho người dân tiếp tục buôn bán nhưng đảm bảo trật tự.

Ông Tuyến cũng nhìn nhận, việc lựa chọn người dân vào “phố hàng rong” là vấn đề khó khăn. “Câu chuyện bố trí, chưa bố trí, không bố trí rất... nặng lòng. Những người không được giải quyết có thể sẽ chạnh lòng vì cho rằng không được quan tâm. Chính quyền phải tính toán nhiều phương án cho bà con chứ tập trung bán hàng không là chưa đủ. Phải có phương án giúp đỡ bà con để không rơi vào cảnh nghèo khó, con cháu bỏ học…”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Quốc Anh