1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM đề xuất đặt tên lại cho cầu Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2

Q.Huy Phương Nhi

(Dân trí) - Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đề xuất, cầu Thủ Thiêm 1 đổi tên thành Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2 đổi thành cầu Ba Son.

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND TPHCM khóa X, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã trình bày tờ trình về việc đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn trên địa bàn TP Thủ Đức, quận 1, quận Bình Thạnh.

Theo đó, UBND TP đề xuất đặt tên "Thủ Thiêm" cho cầu Thủ Thiêm 1, kết nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); đặt tên "Ba Son" cho cầu Thủ Thiêm 2, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

TPHCM đề xuất đặt tên lại cho cầu Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2 - 1

Sáng 28/4, cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn với chiều dài hơn 1,4km nối liền quận 1 (TPHCM) qua TP Thủ Đức chính thức được thông xe sau 7 năm triển khai (Ảnh: H.L.).

Trước đó, Sở Văn hóa & Thể thao đã lấy ý kiến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP Thủ Đức, UBND quận 1, quận Bình Thạnh... Các cơ quan, đơn vị đều thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa & Thể thao về việc đặt tên cho 2 cây cầu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP đã thống nhất việc đặt tên. Sở Văn hóa & Thể thao đã tổ chức lấy ý kiến người dân, và chưa ghi nhận ý kiến về việc đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. 

TPHCM đề xuất đặt tên lại cho cầu Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2 - 2

Cầu Thủ Thiêm 2 có chiều dài hơn 1,4km, phần cầu dài 886m với 6 làn xe (Ảnh: H.L.).

Trước đó, ngày 9/3, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM, đã ký văn bản gửi Thường trực UBND thành phố về việc xem xét đặt tên cho 4 cây cầu Thủ Thiêm. Hiện tại, 4 cây cầu này vẫn mang các số thứ tự.

Cụ thể, Sở đề xuất đổi tên cầu Thủ Thiêm 1 thành cầu Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2 đổi tên thành cầu Ba Son; cầu Thủ Thiêm 3 đổi thành cầu Thủ Ngữ; cầu Thủ Thiêm 4 đổi thành cầu Bến Nghé.

Theo Sở Văn hóa & Thể thao, tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Trong đó, Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, đơn vị hành chính. Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn. Chữ Thiêm có thể do tên người chỉ huy đồn binh thời ấy mà thành.

Tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Ngoài ra, tên gọi này cũng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm