TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án tàu điện ngầm
(Dân trí) - Nhằm thực hiện giải pháp hạn chế xe cá nhân, đồng thời phát triển mạnh giao thông công cộng, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án tàu điện ngầm (metro) trên địa bàn thành phố.
Giảm ùn tắc giao thông là 1 trong 6 chương trình đột phá của Đảng bộ TPHCM. Để thực hiện mục tiêu này, UBND TPHCM vừa chỉ thị Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng gắn với nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách, lộ trình phù hợp để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Trong đó, ngoài hệ thống xe buýt thì metro là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn mà TPHCM đang đầu tư phát triển mạnh.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, thành phố sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm với tổng chiều dài gần 110km. 6 tuyến metro này đa phần kết nối từ trung tâm thành phố đến các vùng ven và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ căng thẳng trong thành phố.
Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là đang được triển khai thi công thực tế, nhiều gói thầu đã triển khai hoàn tất. Dự kiến đến cuối năm 2017 dự án sẽ cơ bản hoàn thành, sang năm 2018 sẽ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, tiến độ các tuyến còn lại không khả quan lắm.
Cụ thể như tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) đã khởi công hạng mục depot (nhà ga và trạm bảo trì) tại quận 12 từ ngày 24/8/2010 nhưng đến nay hầu như dậm chân tại chỗ. Theo thống kê, dọc tuyến số 2 ở giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) có hơn 500 hộ dân phải di dời để thực hiện dự án. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đang được các cơ quan chức năng gấp rút thực hiện nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc, các gói thầu khác vẫn chưa thể triển khai. Các dự án khác cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc tìm vốn đầu tư, thủ tục đầu tư…
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng không những ảnh hưởng tiến độ chung của các dự án mà còn có nguy cơ “đội vốn” dự án lên cao, gây lãng phí, tốn kém.
Trước tình hình này, UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2; sớm tổ chức triển khai thực hiện đối với các công việc thuộc dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm này.
Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cần khẩn trương hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); hoàn chỉnh đề cương dự án sử dụng từ nguồn vốn nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Đồng thời, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm xem xét, chấp thuận cho thành phố sử dụng nguồn vốn từ ADB và Quỹ hỗ trợ chuẩn bị & khởi động dự án (Quỹ PPSSF) để thực hiện tiểu dự án Lập thiết kế khung kỹ thuật, hỗ trợ đấu thầu cho dự án Xây dựng tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Tùng Nguyên