TPHCM chính thức xử phạt tiếng ồn karaoke từ bao giờ?

Quốc Anh

(Dân trí) - Sau giai đoạn tuyên truyền tác hại của tiếng ồn đối với sức khỏe và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, TPHCM sẽ bước vào cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn từ 30/6.

Từ 30/6 sẽ xử phạt tiếng ồn karaoke

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn trên địa bàn. Theo đó, TPHCM sẽ xử lý vi phạm tiếng ồn trong 2 giai đoạn.

TPHCM chính thức xử phạt tiếng ồn karaoke từ bao giờ? - 1

TPHCM sẽ bước vào cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn từ 30/6 (ảnh minh họa).

Từ 25/3 đến 30/6, tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở với chủ đề: "vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta". Cao điểm thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm bắt đầu từ ngày 30/6.

Sau đó, TPHCM sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện năm 2021 để rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch chỉ đạo thường xuyên.

Cụ thể, giai đoạn cao điểm kiểm tra, xử lý từ 30/6, các cấp và các sở ngành liên quan thành lập các tổ công tác liên ngành, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách để giải quyết dứt điểm hành vi gây ồn trong khu dân cư. Đồng thời, khoanh vùng, kiểm tra thường xuyên những khu vực thường xuyên bị phản ánh vi phạm tiếng ồn.

Người đứng đầu mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tái vi phạm tại các địa điểm đã kiểm tra, xử lý. Việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn phải được thực hiện đồng bộ, có sự phối hợp vận dụng nhiều giải pháp, quy định xử phạt trong các lĩnh vực khác nhau.

Công an TPHCM quán triệt, chỉ đạo công an các địa phương phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về tiếng ồn. Ngoài ra, Công an TP cần nghiên cứu đề xuất bổ sung trang, thiết bị kỹ thuật, phương tiện cần thiết phục vụ công tác xử lý vi phạm.

Tiếng ồn là vấn nạn đô thị

Theo UBND TP, tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong sản xuất, kinh doanh và tại cộng đồng dân cư không chỉ không giảm mà còn diễn ra tràn lan, phổ biến, trở thành vấn nạn ảnh hưởng đến môi trường đô thị và chất lượng sống người dân.

Cụ thể, từ cuối năm 2017 đến nay, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng qua phản ánh của báo chí thì hiệu quả công tác phòng, chống tiếng ồn từ karaoke tự phát chưa cao.

TPHCM chính thức xử phạt tiếng ồn karaoke từ bao giờ? - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, "một ngày lao động miệt mài rồi mà tối về còn bị tra tấn bởi tiếng ồn karaoke là không thể chấp nhận được".

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TPHCM với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn diễn ra ngày 26/2, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng ông nhận rất nhiều thông tin qua điện thoại, phản ánh vấn nạn karaoke, "hung thần" karaoke tự phát, đặc biệt là khoảng 10h đêm.

"Một ngày lao động miệt mài rồi mà tối về còn bị tra tấn bởi tiếng ồn karaoke tự phát, người dân không được nghỉ ngơi. Điều này không thể chấp nhận được", ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương là thấy được mức độ nhức nhối của vấn nạn karaoke tự phát để giải quyết, không thể xem đó là chuyện bình thường. 

"Các Chủ tịch quận, huyện phải thấy có trách nhiệm trong gìn giữ, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân", ông Phong nhấn mạnh.

Các quy định pháp luật được vận dụng xử lý tiếng ồn

Nghị định 155 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nghị định 167 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định 100 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định 98 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định 50 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Đồng thời, sử dụng thiết bị ghi âm, thu hình để thu thập chứng cứ vi phạm, nhằm răn đe và làm cơ sở xử lý vi phạm.