TPHCM chi hàng trăm tỷ đồng để người dân đi xe buýt thuận tiện hơn
(Dân trí) - Cho rằng chi phí trợ giá thấp không đảm bảo hoạt động, nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt tại TPHCM đã bỏ tuyến. Thậm chí, mới đây thành phố đành “khai tử” 4 tuyến xe buýt vì lỗ lớn. Trong lúc chờ thành phố bổ sung thêm 330 tỷ đồng tiền trợ giá, các doanh nghiệp được đề nghị không tự ý bỏ tuyến.
>>TPHCM: Thêm 2 tuyến xe buýt bị “khai tử” vì lỗ lớn
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM vừa có văn bản gửi 8 Hợp tác xã (HTX) vận tải xe buýt về việc ổn định hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá.
Theo đó, Trung tâm đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải nghiên cứu, nhanh chóng ký kết hợp đồng đặt hàng với Trung tâm (trên cơ sở số liệu được Sở GTVT TPHCM phê duyệt ngày 26/9/2018) để có cơ sở tạm thanh toán trợ giá cho doanh nghiệp trang trải hoạt động.
Trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt năm 2018, Trung tâm đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải tiếp tục vận động các thành viên ổn định hoạt động, tránh tự ý bỏ chuyến ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trường hợp các doanh nghiệp vận tải đề nghị giãn chuyến trên một số tuyến, Trung tâm đề nghị gửi phương án giảm chuyến cụ thể từng tuyến để trình Sở GTVT TPHCM ban hành quyết định và công bố trước khi thực hiện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Việc đề xuất số chuyến hoạt động mới phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa các chuyến xe liền kề tối đa 30 phút và thời gian hoạt động tối thiểu của tuyến không dưới 12 giờ trong một ngày.
Trước đó, Sở GTVT TPHCM cho biết, năm 2017, sản lượng vận tải hành khách công cộng tăng 6% so với cùng kỳ nhờ được đầu tư mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng…
Trong năm 2018, bố trí kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng (bằng năm 2017) trong điều kiện các đơn vị vận tải thực hiện đầu tư thay thế xe buýt mới và giá nhiên liệu có xu hướng tăng nên việc phê duyệt và thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ xe buýt.
Theo Sở GTVT TP, việc bố trí trợ giá cho hoạt động xe buýt những năm qua ngày càng giảm, với tỷ lệ trợ giá/chi phí những năm gần đây dưới 40%. Trong khi đó, tỷ lệ trợ giá cho xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2014-2016 bình quân khoảng 55%.
Theo Sở GTVT TP, kinh phí trợ giá thấp khiến xe buýt thường xuyên bỏ chuyến, thậm chí có tuyến xe buýt bỏ chuyến hàng loạt.
Do đó, sở này kiến nghị thành phố bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt khoảng 330 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng 2 tháng, TPHCM đành phải “khai tử” 4 tuyến xe buýt vì lỗ lớn, đó là tuyến số 37, 40, 60 và 149.
Quốc Anh