1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM chi gần 500 tỷ nâng cấp “con đường đau khổ” Nguyễn Hữu Cảnh

(Dân trí) - Sau gần 2 thập kỷ lún, ngập, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) được xem là “con đường đau khổ” nhất TPHCM, đến mức năm 2018, TPHCM phải thuê máy bơm chống ngập trong 7 năm với giá hơn 14 tỷ đồng/năm. Nhưng cuối cùng, thành phố quyết chi 473 tỷ đồng để nâng cấp đường và khởi công ngày 5/10 tới đây.

Ngày 3/10, ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM – cho biết, đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được cải tạo, chỉnh trang với tổng kinh phí 473 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công ngày 5/10 và dự kiến hoàn thành trong 14 tháng thi công.

TPHCM chi gần 500 tỷ nâng cấp “con đường đau khổ” Nguyễn Hữu Cảnh - 1

Dù được đầu tư nhiều nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh lại là "rốn ngập" của TPHCM (ảnh: Trương Nhân)

Dự án sẽ nâng cao độ mặt đường ở những nơi bị lún (nơi lún nặng nhất được nâng tối đa 1,2m) để đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên… 

Để thực hiện dự án có khoảng 60/459 cây xanh sẽ bị đốn (sinh trưởng yếu, cụt ngọn), sau khi dự án hoàn thành sẽ bổ sung thêm 130 cây mới.

Theo ông Ninh, dự án hoàn thành chắc chắn trục đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn ngập nữa vì được tăng cường cống thoát, cửa xả.

Điều đáng chú ý, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được thực hiện trong bối cảnh TPHCM đã thuê máy bơm “siêu khủng” chống ngập cho tuyến đường này trong 7 năm (từ 2018), với giá thuê hơn 14 tỷ đồng/năm.

Câu hỏi được đặt ra là hợp đồng thuê dịch vụ bơm chống ngập cho con đường này được giải quyết như thế nào? Hay TP lãng phí tiền tỷ để thuê máy bơm để đó “chơi” trong 7 năm?

TPHCM chi gần 500 tỷ nâng cấp “con đường đau khổ” Nguyễn Hữu Cảnh - 2

Năm 2018, TPHCM thuê máy bơm "siêu khủng" chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh trong 7 năm với giá hơn 14 tỷ đồng/năm

Về thắc mắc này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan từng chia sẻ với PV Dân trí rằng đã chỉ đạo và nhắc nhở chủ đầu tư nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh phải đảm bảo hiệu quả 2 khía cạnh là đường không ngập, nhà dân cũng không ngập.

Khi được hỏi: “TP sẽ xử lý máy bơm như thế nào khi trong 2 năm tới sẽ hoàn thành nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, vừa đảm bảo hiệu quả chống ngập mà lại không lãng phí ngân sách?”, ông Hoan cho biết TP sẽ có phương án. Theo đó, khi làm xong dự án nâng cấp đường thì máy bơm sẽ được chuyển sang vị trí khác có nhu cầu như tại các cửa xả lớn.

“Máy bơm chỉ giải quyết ngập nhất thời. TP sẽ có phương án sử dụng tối đa máy bơm. Khi làm xong đường Nguyễn Hữu Cảnh thì dịch chuyển máy bơm đi. Giải quyết ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh là bài toán tổng thể, không chỉ trên đường mà cả nhà dân”, một lần nữa ông Hoan nhấn mạnh.

Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị nhưng thực tế khiến người dân thất vọng. Con đường này bị lún, ngập nước trong suốt 16 năm qua.

Tuyến đường dài khoảng 3,7km, tổng vốn đầu tư là gần 420 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố.

TPHCM chi gần 500 tỷ nâng cấp “con đường đau khổ” Nguyễn Hữu Cảnh - 3

 Đường Nguyễn Hữu Cảnh với những tòa nhà chọc trời nằm san sát nhau

Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2.

Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10/2007, UBND TP phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu Văn Thánh 2.

Không những vậy, trong quá trình thi công dự án hầm chui, đường Nguyễn Hữu Cảnh còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường, ngân sách nhà nước phải bồi thường cho 57 hộ dân bị nứt nhà khoảng 4 tỷ đồng.

Còn phần đường thì ngay sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng lọt vào danh sách các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân ngập được xác định là do đường bị lún.

Theo kết quả đo đạc của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Giám định, năm 2004, độ lún lớn nhất của đường Nguyễn Hữu Cảnh là gần 60cm. Sang năm 2005, đường lún từ 70-80cm. Kết quả kiểm tra cho thấy có đoạn còn lún hơn 1m.

Để giải quyết ngập lụt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầu như năm nào thành phố cũng phải chi tiền bù lún. Riêng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, sau hơn 13 năm đưa vào hoạt động đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Từ chỗ được khai thác với tải trọng 30 tấn chỉ còn xe từ 1,5 tấn trở xuống mới được phép qua cầu. Sau đó, TPHCM phải bỏ ra gần 13 tỷ đồng để sửa chữa.

Về phương án phân luồng và điều tiết giao thông, ông Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến hết phạm vi nút giao cầu Thủ Thiêm) sẽ chiếm dụng 24/24.

Trong giai đoạn 1 (thi công hệ thống cống hộp dọc thoát nước bên trái tuyến) đơn vị thi công sẽ cải tạo vỉa hè thành mặt đường nhựa khoảng 3m nhằm hạn chế ảnh hưởng đến lộ trình các tuyến buýt đi qua khu vực.

Xe máy được lưu thông qua hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và cấm ô tô đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hướng từ Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt.

Lộ trình thay thế: Ngô Tất Tố -> (rẽ trái) Nguyễn Hữu Cảnh -> (quay đầu hẻm 113) Võ Duy Ninh -> hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh hoặc Ngô Tất Tố -> Trần Quang Long/Nguyễn Văn Lạc -> Phạm Viết Chánh -> Nguyễn Hữu Cảnh.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm