1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp

(Dân trí) - Sau mỗi 5 năm, TPHCM tăng thêm 1 triệu dân và nhu cầu nhà ở để người dân “an cư lạc nghiệp” là bài toán hóc búa với chính quyền thành phố. Hiện nay, bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người nhập cư, người có thu nhập thấp vẫn đang sống nơi chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và không có khả năng sở hữu nhà ở.

Ngày 17/9, UBND TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021-2035”.

TPHCM: Cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp - 1

Chủ tịch UBND TPHCM tại hội thảo quốc tế “Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021-2035”.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố đang đứng trước thách thức không nhỏ với quy mô dân số lớn như hiện nay. Theo thống kê, năm 2019, dân số thành phố chỉ khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại thành phố.

Dân số đông nhưng phân bố dân cư lại chưa hợp lý, trung bình mật độ dân số thành phố là 4.289 người/km2, gấp 14,7 lần mật độ dân số cả nước, cao nhất là quận 4 với 41.890 người/km2. Trong khi đó, khu vực ngoại thành mật độ trung bình là 1.240 người/km2.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, cứ mỗi năm thành phố gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người. Điều này dẫn đến áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Theo kỳ thống kê mới nhất (năm 2017), tổng số nhà ở của thành phố hơn 1,675 triệu căn. Tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại thành phố đạt 19,9m2/người (vượt chỉ tiêu đề ra là 19,8m2/người).

“Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn”, ông Phong nói.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu trong nước và quốc tế để xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề chính sách nhà ở xã hội gắn với việc làm, khả năng tài chính để tiếp cận quỹ nhà ở này, cũng như tình hình giao thông kết nối nơi ở với nơi làm việc…

Tại hội thảo, mô hình phát triển nhà ở và cơ chế tài chính tiếp cận nhà ở của Singapore và Hàn Quốc được đại biểu quan tâm và được xem là bài học quan trọng cho thành phố tham khảo.

TPHCM: Cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp - 2

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố cần hoàn thiện chính sách xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, thành phố cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở, trong đó phải dành diện tích phát triển công viên, cây xanh và nhiều tiện ích khác. Thành phố cũng phải chú trọng vấn đề tiện ích để khai thác tốt hạ tầng xã hội phục vụ người dân.

Theo ông Hoan, thành phố đang định hướng phát triển đô thị sông nước hài hòa tự nhiên, trong tương lai sẽ khơi thông kênh rạch, xây dựng bờ kè. Đầu tư khai thác hiệu quả hệ thống kênh rạch gắn với phát triển nhà ở. Đặc biệt, thành phố sẽ phát triển đô thị thông minh theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, sử dụng năng lượng tái tạo, giải quyết bài toán môi trường trong phát triển nhà ở để phục vụ tốt hơn cho người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cần làm rõ vai trò Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong quá trình tham gia nghiên cứu, đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

“Ở đây, Nhà nước mang tính định hướng, doanh nghiệp là nguồn lực phát triển và người dân là trung tâm của mọi chính sách. Chính sách Nhà nước, doanh nghiệp có thành công hay không là bắt đầu từ người dân, họ có mua được nhà không? Doanh nghiệp có chính sách gì hỗ trợ. Nếu chính sách thỏa mãn điều kiện cơ bản thì người dân ủng hộ, chấp nhận”, ông Hoan nói.

Trong đó, Nhà nước quy hoạch những khu phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách hiện có. Hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp.

“Hiện nay thủ tục phức tạp, nhiêu khê. Lẽ ra nhà ở xã hội phải nhanh nhưng hiện nay làm y chang như nhà ở thương mại nên thời gian triển khai chậm chạp, khó khăn, cần có chính sách, quy trình riêng cho nhà ở xã hội”, ông Hoan nói.

TPHCM: Cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp - 3

Hiện nay TPHCM chủ yếu phát triển nhà ở thương mại

Cũng theo ông Hoan, trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp. Hiện nay, thành phố đầu tư nhà ở thương mại nhiều hơn.

“Trong khi đó, đối tượng cần quan tâm là số đông trong xã hội đô thị, người có nhu cầu thật sự, họ có công ăn việc làm, họ là người trẻ…”, ông Hoan nói.

Lãnh đạo UBND TP cho rằng chính sách để người dân tiếp cận nhà ở từ thuê đến thuê mua và mua nhà là rất hay. Trong thời gian tới, thành phố nghiên cứu cho ra chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho ngươi có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà, trong đó có cơ chế tài chính để hỗ trợ người dân.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, dự báo dân số thành phố đạt khoảng 10,05 triệu người vào năm 2020 và gần 12 triệu người vào năm 2035. Dự báo nhu cầu nhà ở đến năm 2035 đạt tổng diện tích nhà ở là hơn 333 triệu m2, diện tích bình quân là 27,8m2/người.

Quốc Anh