1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM ban hành nhiều văn bản trái luật

Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp, có văn bản gửi UBND TPHCM thông báo nhiều văn bản do chính UBND TPHCM ban hành để xử phạt hành chính người dân đều trái luật.

Phạt giao thông, từ trái luật đến... trái luật

 

Trong 8 văn bản do UBND TPHCM ban hành từ năm 2003 - 2004, người ta phát hiện tới 4 văn bản dành cho xử phạt an toàn giao thông (ATGT). Đó là công văn số 7696/UB-ĐT, ra ngày 14/12/2003 của UBND TP, về tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (không chỉ phạt tiền, đối tượng vi phạm còn bị tạm giữ xe trong 10 ngày).

 

Thế nhưng, theo khoản 1 điều 10, Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 của Chính phủ quy định: Chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền, chứ không quy định phải giam xe. Tới nay, TPHCM đã bãi bỏ hình thức tạm giữ phương tiện. Sở Tư pháp TPHCM cũng đã đề nghị huỷ nội dung công văn trái pháp luật này.

 

Một sự việc khác - ngày 27/6/2003, UBND TPHCM ban hành Quyết định 106/2003/QĐ-UB về áp dụng một số biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT tại thành phố. Quyết định này cũng đưa ra biện pháp giam giữ xe (điều 3) có thời hạn từ 20 ngày đến 60 ngày với những trường hợp vi phạm. Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, thì văn bản này cũng... trái luật nốt. Và, đề nghị UBND TPHCM huỷ bỏ.

 

Chưa kể, ở khoản 1, Điều 3 Nghị định 134/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, quy định "Các văn bản do UBND ban hành không được quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt".

 

 

Xử phạt hành chính cũng sai phạm

 

Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Văn bản QPPL cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đi kiểm tra phát hiện tại TPHCM có những văn bản có nội dung trái pháp luật của các VBQPPL, các văn bản này phải được huỷ bỏ toàn bộ nội dung hoặc một phần do vượt quá thẩm quyền.

 

Ông Lê Hồng Sơn đề nghị, UBND TP phải nghiêm túc thực hiện, xử lý các văn bản ban hành trái luật nêu trên trong vòng 1 tháng (10/2/2006 dứt điểm).

 

Và không chỉ TPHCM, 33 địa phương khác cũng phải tự... "trảm" những văn bản thuộc các dạng trái luật nêu trên.

Trong quy định quản lý - giúp đỡ học viên cai nghiện ma tuý và người sau cai nghiện hồi gia (Quyết định số 114/2004/QĐ-UB, ngày 23/4/2004) quy định "Người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị, hiệu trưởng các trường học, nếu không thực hiện đúng cam kết về việc tiếp nhận người hồi gia vào làm việc và học tập, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính". Trong khi Nghị định 134/NĐ-CP quy định, các văn bản do UBND ban hành không được quy định hành vi vi phạm hành chính. Cho nên, quyết định trên của UBND TP cũng sai luật luôn.

 

Cùng ngày, UBND TP còn ban hành Quyết định 113/2004/QĐ-UB xử lý hình sự đối với các trường hợp "không trung thực trong việc cam kết bảo lãnh người hồi gia về đi làm, đi học". Thậm chí, có một văn bản, UBND TPHCM còn quy định thẩm quyền cán bộ... to hơn Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

 

Thí dụ: Quyết định 107/2003/QĐ-UB ngày 27/6/2003 của UBND TP về quyền hạn và trách nhiệm chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn khi xử phạt hành vi vi phạm hành chính trật tự xây dựng. Trong quyết định này, UBND TPHCM cho phép "Tổ quản lý trật tự đô thị có nhiệm vụ lập biên bản và đình chỉ hành vi vi phạm hành chính" (?!). Trong khi đó, Điều 2 Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 chỉ quy định "lập biên bản về vi phạm hành chính".

 

Quyết định 104/2003/QĐ-UB, ngày 27/6/2003 về quản lý người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM còn cho phép "áp dụng trong thời gian Chính phủ chưa ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực trật tự, an toàn đô thị tại TPHCM". Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, văn bản này hoàn toàn trái pháp luật, vì UBND TPHCM không đủ thẩm quyền để quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt... 

 

Theo Trúc Giang
Lao Động