Hà Tĩnh:
Tổng cục Đường bộ kiểm tra "cầu tiền tỷ phục vụ 2 hộ dân"
(Dân trí) - Sáng nay (13/8), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra thực tế và có buổi làm việc với chính quyền xã Sơn Thọ về vụ việc cây cầu treo Khe Tây trị giá 3,5 tỷ đồng chỉ phục vụ cho 2 hộ dân.
Dẫn đầu đoàn kiểm tra là ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cùng lãnh đạo Sở GTVT Hà Tỉnh, lãnh đạo huyện Vũ Quang, xã Sơn Thọ và 26 hộ dân quy hoạch hưởng lợi từ dự án cầu treo Khe Tây.
"Xây cầu là hoàn toàn hợp lý" (!)
Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế, đoàn cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với Sở GTVT, các cơ quan chức năng và chính người xã Sơn Thọ cùng những hộ dân nằm trong diện quy hoạch hưởng lợi từ dự án cầu treo Khe Tây.
Tại buổi làm việc đã có 5 ý kiến của 5 hộ dân đại diện cho 26 hộ được hưởng lợi đều cho rằng họ “rất phấn khởi khi có cây cầu này”.
Đoàn làm việc của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Đại diện BQL 3, Sở GTVT, chính quyền huyện Vũ Quang, xã Sơn Thọ đều khẳng định việc xây dựng dự án cây cầu treo Khe Tây là đúng quy trình và hợp lòng dân, ý Đảng.
Ông Nguyễn Năng Thể, Trưởng Ban QLDA 3, khẳng định đây là 1 trong những cây cầu nằm trong đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ GTVT. Qua khảo sát, đánh giá xác định việc xây dựng cây cầu treo Khe Tây là hoàn toàn hợp lý.
Cầu Khe Trươi tại xóm , xã Sơn Thọ đang gây xôn xao dư luận thời gian qua
“Trước đây phía tỉnh Hà Tĩnh có đề nghị xây dựng một cây cầu bắc qua sông Ngàn Sâu, nhưng do khẩu độ quá lớn nên không thực hiện. Dự án cầu treo Khe Tây là cầu phát sinh mới. Có khẩu độ 70m, cộng thêm điều kiện phù hợp nên vị trí này rất tốt để xây dựng một cây cầu treo”, ông Thể cho biết.
Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cũng cho rằng việc xây cây cầu này là hợp lý. “Đúng là nhiều nơi đang rất cần cầu nhưng mỗi nơi có một tính chất khác nhau, ví dụ có nơi thì cần cây cầu có trọng tải lớn…”, ông Kỳ cho biết.
“Đúng là phía đầu cầu có 2 hộ dân, nhưng đi vào khu vực chính giữa thì có thêm 3 hộ dân, trong đó có 2 hộ mới tách, tổng cộng là có 7 hộ. Để đảm bảo việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế việc xây cầu là cần thiết”,ông Kỳ nói.
Chưa thỏa mãn dư luận
Tại buổi làm việc này cũng có hơn 15 phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Tại buổi làm việc, các PV nêu nhiều câu hỏi thắc mắc liên quan đến dự án: Xây dựng cây cầu chỉ có trọng tải 0,5 tấn thì thúc đẩy phát triển kinh tế như thế nào? Việc trong danh sách của chính quyền xã Sơn Thọ có chữ ký đầy đủ của 26 hộ dân trong khi dân không thừa nhận là sao? Tại sao xây dựng cầu xong nhưng đường thì chưa có, tính cấp thiết và cần thiết của cây cầu?…. Tuy nhiên các câu trả lời nhận được chưa làm người nghe thỏa mãn.
PV báo Tiền phong đặt câu hỏi: Tại sao trong buổi khảo sát hôm 10/8, ông Bùi Đức Đại, Phó GĐ Sở GTVT lại bỏ đoàn quay về nghỉ ngơi khi vừa mới khảo sát chưa được một nửa?
Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trả lời: “Trọng tải cầu ghi là 0,5 tấn nhưng trọng tải thực của cây cầu có thể lên hơn như thế. 2 con trâu, 3 con trâu cũng có thể đi qua cây cầu này. Việc liên quan đến trọng tải cây cầu chúng tôi đã tính toán kỹ trong phần thiết kế”.
Cũng theo ông Thể một trong những điều kiện để xây dựng cầu là có trên 50 lượt qua lại/ngày đêm. Tuy nhiên trong báo cáo lại ghi là 500 lượt qua lại. Vấn đề này ông Thể cho biết đó là thông số dự báo; thời điểm cao nhất có thể là 500 lượt qua lại/ngày.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đứng) cho biết, phía Trung ương cho cầu, còn việc làm đường là trách nhiệm của địa phương.
Về vấn đề cầu xây xong mà chưa có đường, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phía Trung ương cho cầu, còn việc làm đường trách nhiệm của địa phương!
Để giải thích rõ hơn, ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, trong quy hoạch nông thôn mới đã có dự án làm đường.
“Trong các quyết định và năm 2014 và năm 2015 của UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng con đường nối cầu treo Khe Tây với các hộ dân với tổng kinh phí là hơn 6 tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, thời gian khi nào thi công, số tiền 6 tỷ đồng để làm đường lấy từ đâu thì các cơ quan chức năng chưa thể trả lời được!
Còn việc chữ ký trong bản danh sách báo cáo của chính quyền xã Sơn Thọ gửi lên các cơ quan chức năng chưa được trả lời.
PV